"Chúng tôi sẽ làm các dự án bất động sản giá dự kiến tại Tp.HCM dưới 25 triệu đồng/m2 và ở một số tỉnh thành khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… dưới 20 triệu đồng/m2 hoặc thấp hơn nữa", đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh tiết lộ.

Nhà ở vừa túi tiền đang khan hiếm

Trong bối cảnh giá nhà ở TP.HCM không ngừng leo thang, phân khúc nhà ở vừa túi tiền gần như “tuyệt chủng” thì tuyên bố như vậy của một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM mang đến những niềm tích cực.

Tại sự kiện sáng kiến nhà ở vừa túi tiền được tổ chức mới đây, 3 doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng, nội – ngoại thất gồm Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group và Kỹ Nghệ gỗ Trường Thành đã bắt tay nhau để phát triển các dự án căn hộ có giá bán phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân tại các đô thị.

"Chúng tôi sẽ làm các dự án bất động sản giá dự kiến tại Tp.HCM dưới 25 triệu đồng/m2 và ở một số tỉnh thành khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… dưới 20 triệu đồng/m2 hoặc thấp hơn nữa", đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết.

Khảo sát thực tế của CafeLand, trong khoảng hai năm trở lại đây, khi nguồn cung nhà ở tại TP.HCM gần như chỉ “nhỏ giọt” thì loại hình căn hộ có giá bán trên dưới 1,5 tỉ đồng gần như không còn xuất hiện trên địa bàn thành phố. Tại những quận huyện vốn được xem như vùng ven như quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè… người dân cũng không có nhiều lựa chọn với mức giá căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng. Tại TP. Thủ Đức, giá bán những dự án mới trong hai năm qua thấp nhất cũng từ 40 – 45 triệu đồng/m2.

Thậm chí, mặt bằng tăng giá cũng lan rộng sang các khu vực lân cận với TP.HCM thuộc Bình Dương hay Đồng Nai. Cụ thể, giá bán căn hộ tại hai thành phố Dĩ An và Thuận An cũng đã cán mốc trên 50 triệu động/m2.

Với thực tế như vậy, những thông tin về các doanh nghiệp lớn bất động sản cùng chung tay phát triển nhà giá rẻ là điều đáng quý. Đặc biệt, sau những tác động của dịch bệnh càng lộ rõ hơn về nhu cầu chỗ ở bức thiết của tầng lớp lao động thu nhập thấp ở thành phố.

Hồi đầu tháng 10.2021, lãnh đạo TP.HCM cũng xác định kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp là một phần không thể thiếu trong kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố.

"Thành phố sẽ phát triển những nhà giá thấp nhất có thể, để công nhân dễ tiếp cận và cũng thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền thành phố đã thấy, cần phải làm ngay", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Dự án nhà ở công nhân quy mô 1.000 căn hộ tại TP. Thủ Đức được khởi công ngay sau đó đã cho thấy quyết tâm của thành phố.

Khu đất xây dựng 1.000 căn hộ cho công nhân ở TP. Thủ Đức

Rõ ràng, nhu cầu cực lớn về nhà ở vừa túi tiền tại các đô thị như TP.HCM là không mới. Đây cũng là một bài toán “khó giải” của thành phố trong nhiều năm qua. Trong đó, việc huy động doanh nghiệp để phát triển phân khúc này không dễ bởi nhiều vướng mắc từ quỹ đất, lợi nhuận kém hấp dẫn, thủ tục kéo dài.

Theo các chuyên gia bất động sản, để giải bài toán nhà thu nhập thấp thì chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất và thủ tục hành chính để hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, phân tích ở góc độ thực tiễn có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát triển nhà giá rẻ dành cho người lao động, đó là quỹ đất và thời gian thực hiện.

Về quỹ đất nếu để doanh nghiệp “tự bơi” thì sẽ rất khó vì giá đất đã cao và tốn nhiều thời gian cho thủ tục. Thay vào đó, chính quyền thành phố có quỹ đất sẵn giao cho các doanh nghiệp thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Về vị trí ông Khương cho rằng, quỹ đất ở các quận trung tâm hiện nay không còn, do đó một là thành phố dùng quỹ đất đã dự trù trước đó ở khu vực này hoặc tìm những nơi xa hơn ở các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Tuy nhiên, để phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm thì cần đảm bảo được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông…) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế…). Khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân.

Yếu tố thứ hai là thời gian thực hiện với trọng tâm là các vấn đề pháp lý cần nhanh gọn để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

Về phương diện tài chính đối với các chủ đầu tư nhà ở, theo ông Khương khi dự án được phê duyệt nhanh chóng, có quỹ đất giá rẻ và biên độ lợi nhuận của họ từ 7-10% thì nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng làm, có nhiều chủ đầu tư dù lợi nhuận thấp hơn họ vẫn làm vì sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội.

Về phía người mua, nên tạo điều kiện để họ có thể mua nhà trả góp trong vòng 30 năm hoặc 50 năm. Tâm lý có một chốn an cư của riêng mình đúng nghĩa sẽ giúp người lao động có động lực hơn gắn bó với thành phố.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.