14/11/2023 5:47 PM
Theo các chủ đầu tư bất động sản, thủ tục hành chính về đầu tư tại Việt Nam rất rắc rối, không chỉ khiến cho doanh nghiệp nội địa mà các nhà đầu tư nước ngoài đều e dè.

Theo các chủ đầu tư bất động sản, thủ tục hành chính về đầu tư tại Việt Nam rất rắc rối. Ảnh minh hoạ

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, bất động sản hiện vẫn đang trầm lắng, sức tiêu thụ kém, cung cầu chưa “ăn khớp” do những sản phẩm hiện có lại không đáp ứng được nhu cầu của người mua, dẫn đến tồn kho bất động sản khá lớn.

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, ông Hiệp cho rằng, trước tiên phải tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý.

Theo ông Hiệp, một số thống kê cho thấy, 70% vướng mắc của bất động sản là pháp lý, mà điều đầu tiên là sự chồng chéo của hệ thống pháp luật. Trong đó, tập trung vào những vướng mắc về rào cản giải phóng mặt bằng. Tiếp đó là những vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Ông Hiệp cho rằng, thủ tục hành chính về đầu tư ở Việt Nam cực rắc rối, các nhà đầu tư nước ngoài đều rất sợ và không tự tin. Với các nhà đầu tư Việt Nam, mặc dù đã nắm rõ thủ tục nhưng việc đi lại để giải quyết được hơn 30 con dấu cũng là cả một cuộc trường chinh.

Tại hội nghị trực tuyến về việc triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản tổ chức sáng 13.11, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết, mặc dù lãnh đạo các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đều rất ủng hộ, tìm giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn tình trạng trốn tránh trách nhiệm, gây trì trệ, kéo dài thủ tục hành chính tại một số bộ phận cơ quan quản lý nhà nước. "Chậm ngày nào, thêm tháng nào thì doanh nghiệp chịu thiệt hại ngày đấy", ông Hoa nói.

Liên quan đến thủ tục vay vốn, ông Lâm Hoàng Đăng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, cho biết quy định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30% đang làm khó các chủ đầu tư.

Theo ông Đăng, trong bối cảnh thị trường địa ốc khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác sẽ khiến cho tỷ lệ này giảm đi. Do đó, ông Đăng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 – 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, hiện nay, thủ tục cấp tín dụng cho một dự án bất động sản hoặc cho doanh nghiệp vay thực hiện dự án bất động sản được thực hiện theo quy trình 2 bước: một là các chi nhánh trình hội sở chính phê duyệt chủ trương cấp tín dụng cho vay bất động sản; hai là chi nhánh và doanh nghiệp thống nhất các điều kiện tín dụng và nội dung hợp đồng tín dụng để ký kết chính thức.

Theo ông Hiệp, quy trình này mất nhiều thời gian, trung bình khoảng 2 tháng. Điều này dẫn đến tình trạng không đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng tiền vốn của doanh nghiệp. Bởi vậy, ông Hiệp đề nghị phía ngân hàng xem xét rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện dự án bất động sản xuống dưới 1 tháng.

Cũng theo ông Hiệp, chỉ nên nhận tài sản đảm bảo là chính dự án đó, Ngân hàng không nên yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp bổ sung tài sản khác.Việc này chỉ nên áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp vay vốn lên đến mức 70%-80% tổng mức đầu tư của dự án.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.