03/04/2014 8:00 PM
Sau gần 8 năm triển khai, Luật Nhà ở hiện hành đã xuất hiện nhiều điều bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi. Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung cần khắc phục, song một số ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn để tiếp tục sửa đổi cho hoàn thiện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều điểm cần phải sửa đổi trong Luật nhà ở.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 13 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Pháp luật Quốc hội (UBPLQH) đã thẩm định Luật Nhà ở ngày 2.4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm khắc phục những điểm bất cập của Luật Nhà ở hiện hành.
Có mặt tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ thêm về một số vấn đề như: quy định cụ thể về bán hay cho thuê chung cư có thời hạn, việc bố trí và quản lý nhà công vụ, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hay phải kiểm soát việc cho người nước ngoài mua nhà cho thật tốt để tránh hệ lụy.
"Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Nhà ở là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân về nhà ở. Tuy nhiên, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm tạo lập nhà ở. Đó là tạo điều kiện cho cá nhân tạo lập nhà ở, cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở", ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UBPLQH góp ý.
Trao đổi thêm với Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho rằng, vẫn còn nhiều điểm cần phải sửa đổi trong Luật nhà ở.
Cụ thể, ông Châu cho rằng, tại khoản 4 điều 9 Nghị định 71 của Chính phủ ngày 23.6.2010 quy định: Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng dự án phát triển nhà ở đó, không được dùng số vốn đã huy động vào mục đích khác hoặc sử dụng cho các dự án phát triển nhà ở khác. Những trường hợp huy động vốn không đúng các hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều này thì hợp đồng đã ký không có giá trị pháp lý và bên huy động vốn bị xử lý theo quy định hiện hành.
"Nếu chỉ quy định chung chung như vậy thì thiếu tính răn đe và chưa đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích của người mua nhà, cho nên cần bổ sung các biện pháp chế tài mạnh mẽ để bắt buộc chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích.
Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng) vì đây là lúc doanh nghiệp đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng nên rất cần bổ sung vốn tại thời điểm này.
Luật cần có cơ chế cụ thể bao gồm các chế tài cần thiết bắt buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành BĐS, bàn giao cho khách hàng. Các biện pháp có thể là chuyển tiền huy động vào “tài khoản đóng” của ngân hàng và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công công trình theo giai đoạn có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng" - ông Châu nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, mặc dù Luật Nhà ở 2005 không có quy định, nhưng tại khoản 3 điều 43 mục 5 về Xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân của Nghị định 71 có quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 của Luật Nhà ở.
Và theo khoản 5 điều 43 này thì chủ căn hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhả ở đó.
Ông Châu cho rằng, quy định này có thể có sơ hở dẫn đến việc xây dựng chung cư “mi-ni” trong nội thành làm gia tăng áp lực về dân số và hệ thống hạ tầng nên ông đề nghị không đưa chế định này vào Luật Nhà ở sửa đổi.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, kiến nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà ở là phù hợp, tuy nhiên nên đặt trọng tâm vào việc cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở hạng sang, nhà ở cao cấp để góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở này.
Theo 10 nhóm nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ thì: công tác phát triển nhà ở phải đảm bảo khắc phục tình trạng đầu tư nhà ở tự phát, phong trào; cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước (cả trung ương và địa phương) cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia; cơ chế tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở cần được quy định rõ...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

"Việc sửa đổi Luật nhà ở lần này cũng sẽ quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ khi bị xuống cấp, hư hỏng. Giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại các chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm.
Đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được mở rộng để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước..." - Bộ trưởng Dũng cho biết.
Với đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 chương với 179 điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có 9 chương với 153 đều thì dự thảo luật này tăng thêm 4 chương và 26 điều. Nhà ở xã hội được ghi nhận là điểm sáng trong Luật Nhà ở sửa đổi.
Duyên Duyên (Một Thế Giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.