Ngày 26/4, NHNN đã tổ chức thành công phiên đấu thầu lần thứ 12. Dù số lượng doanh nghiệp trúng thầu trong phiên này không nhiều (5 đơn vị), nhưng gần 26 nghìn lượng vàng được đấu giá trong phiên đã được bán gần hết, với 25.900 lượng vàng. Như vậy, tính từ lần đấu thầu đầu tiên hôm 28/3 đến nay, thị trường đã trải qua 12 phiên, với lượng bơm vào tổng cộng 13,1 tấn vàng. Song, điều đáng nói là chênh lệch giá vàng hiện không giảm mà ngày càng cao, và hiện chênh lệch giá trong và ngoài nước ở mức 5,6 triệu đồng, cao gấp đôi so với thời điểm sáng 28/3 - ngày mở phiên đấu thầu đầu tiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ giá trong nước không giảm là do NHNN đã bán vàng với giá quá cao, NHNN đã “ép” các đơn vị mua vàng khi “treo” hạn 30/6 là thời điểm cuối cùng để tất toán vàng, nên dù giá cao hơn nữa, một số ngân hàng “khát” vàng vẫn phải chấp nhận mua vào để bù hụt trạng thái.
Theo nhiều ước tính khác nhau, khối lượng vàng các tổ chức tín dụng đang cần có thể lên tới 20 tấn. Tuy nhiên, phía NHNN cho rằng trên thực tế, các đợt đấu thầu đều được các đơn vị tham gia mua hết, chứng tỏ thị trường chấp nhận được mức giá mà NHNN đưa ra. NHNN cũng bác bỏ việc "ép giá" các tổ chức tín dụng, vì thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng trúng thầu vàng với mức giá này.
Liên quan đến câu chuyện giá vàng, liệu sau 30/6, khi các tổ chức tín dụng mua đủ vàng để trả nợ, mức chênh lệch này có được giảm xuống hay không? Câu trả lời vẫn chỉ là lý thuyết theo kiểu “có khả năng”: "Về nguyên tắc thì sau 30/6, khi các tổ chức tín dụng mua xong và nhu cầu lớn này được đáp ứng, chỉ còn nhu cầu của người dân, thì giá vàng sẽ giảm", lãnh đạo NHNN nói. Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng nhận định là hiện nay người dân không quan tâm đến giá chênh, mà chỉ quan tâm đến giá tuyệt đối, nếu thấy có lãi và phù hợp là họ sẽ mua vào.
Về vấn đề tạm xuất tái nhập vàng, NHNN cho biết khối lượng vàng tạm xuất và tái nhập trong thời gian qua tính đến thời điểm chấm dứt hoạt động này (31/3) là 10 tấn. Và việc tạm xuất - tái nhập đã hoàn thành và trong tương lai không nhất thiết phải thực hiện việc này nếu nhu cầu vàng miếng SJC không còn đột biến như thời gian qua. Hiện nay và sau này, việc chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC sẽ được kiểm định và chuyển đổi hoàn toàn trong nước. “Vì việc tái nhập sử dụng nguồn ngoại tệ thu từ hoạt động tạm xuất, và việc xuất - nhập được tiến hành gần như đồng thời nên thực tế hoạt động này không gây tác động đến chính sách hạn chế nhập siêu, cũng như không gây biến động trên thị trường ngoại hối. Ngoài ra, khả năng "tuồn" vàng lậu vào để dập thành vàng miếng SJC là không thể xảy ra, bởi máy dập của SJC được NHNN quản lý chặt chẽ 24/24h, và niêm phong vào tất cả các giờ không làm việc”, NHNN cho biết.
Bình luận về các ý kiến nói trên của NHNN, một chuyên gia kinh tế cho rằng với những diễn biến trên thị trường vàng hiện nay, không có cơ sở nào để tin rằng sau ngày 30/6, khi các ngân hàng đóng trạng thái, thị trường sẽ hạ nhiệt cả. “Hơn nữa, cứ giả sử cho rằng thị trường sẽ hạ nhiệt thật, tức là mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới đạt được, lúc đó, mỗi lượng vàng sẽ đánh mất tới gần 6 triệu đồng/lượng, chưa kể nếu giá thế giới giảm tiếp, thì những người mua vàng trong nước cũng sẽ lãnh đủ vì “ôm” vàng giá cao. Xem ra, đầu tư vào vàng vẫn có quá nhiều rủi ro nếu không thận trọng.