Hơn 7 năm nay, hàng trăm hộ dân vạn chài Võ Liệt ven bờ sông Lam vẫn phải sống trong cảnh lênh đênh trên sóng nước, chưa có cuộc sống ổn định dù ngày 7/5/2010 chính quyền huyện Thanh Chương, Nghệ An đã khởi công xây dựng “khu tái định cư làng chài” Khe Mừ (xã Thanh Thủy) và Triều Dương (xã Thanh Lâm) với tổng số vốn 83 tỷ đồng.

Đi xuyên qua lối mòn nhỏ hẹp tràn ngập những rác thải sinh hoạt của cư dân làng vạn chài thuộc khu bãi bồi sát chân cầu Rộ mới cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây. Cái nắng nắng nóng của mùa hạ khiến những cơn gió hắt từ mặt sông vào các con thuyền được chắp vá bằng mảnh tôn của người dân làng vạn chài đang vùng vẫy giữa sóng cả càng trở nên khắc nghiệt.

Những chiếc thuyền lênh đênh trên sóng nước này mấy chục năm nay là nơi sinh sống của những gia đình bám sông, mưu sinh bằng hàng chục thứ nghề. Giữa những con thuyền chòng chành, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bảy thôn Vận Tải, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Bà Bảy cho biết, gia đình bà đã phải sống ba thế hệ trên sóng nước nên ai cũng mong muốn được lên bờ bởi cuộc sống trên sóng nước gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khi mùa bão về, đến bữa cơm cũng không yên vì gió mưa, sóng nước.

Năm 2009, bà con làng vạn chài vui mừng với việc khởi công khu tái định cư làng chài Khe Mừ. Thế nhưng suốt 7 năm nay, khu tái định cư vẫn nằm nép mình trên cỏ xanh. Người dân thì chờ đợi hết năm này rồi qua năm khác, còn việc xây dựng khu tái định cư vẫn bị “om” trên giấy và trong những cuộc họp.

Hiện ở Khe Mừ có gần 300ha đất dành cho khu tái định cư đang nằm “phơi sương, phơi nắng” nhiều năm nay, trở thành một bãi đất hoang cho người dân chăn thả trâu bò. Cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nhà văn hóa, nhà mẫu giáo cũng nằm trơ trọi.

Người dân cho biết, kế hoạch của quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ bàn giao cho 120 hộ dân thuộc Khe Mừ và 45 hộ dân vùng đập Triều Dương vào năm 2011. Tổng diện tích quy hoạch là 420ha, các hộ dân sẽ nhận được đất ở, đất sản xuất và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, không ai ngó ngàng đến. Theo tìm hiểu của phóng viên, sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư được phê duyệt cho dự án là hơn 83 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2011, chủ đầu tư đã cho đơn vị thi công ứng với số tiền 42 tỷ đồng, vượt thực tế khối lượng đã thi công.

Anh Võ Ngọc Nam (34 tuổi) - cư dân làng vạn chài chia sẻ: “Đã nhiều lần chúng tôi gửi đơn lên xã và cũng không ít lần chính quyền làm việc về vấn đề này. Cán bộ hứa sau Tết Nguyên đán năm 2016 sẽ đưa chúng tôi lên khu tái định cư. Đến nay, hơn nửa năm trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo chuyển về nơi ở mới. Bà con lâu nay cũng chỉ thiết tha mong có được mái nhà chắc chắn để tránh mưa, tránh nắng. Con em chúng tôi không phải lo khi mùa mưa bão nữa”.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: “Hiện tại, xã cũng đã phối hợp với các ban ngành rà soát lập danh sách và hoàn thiện hồ sơ các hộ dân được di dời lên khu tái định cư, còn bao giờ di dời thì phải đợi tỉnh chỉ đạo”.

Theo ông Võ Văn Hải, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Chương, huyện cũng nhiều lần làm việc với chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An. Song, tiến độ thực hiện dự án vẫn chưa thể đẩy nhanh được nguyên nhân là do thiếu vốn. “Do đó, chúng tôi rất mong các cấp, ngành nhanh chóng giải ngân nguồn vốn để thi công, sớm đưa vào sử dụng để những người dân làng chài được ổn định cuộc sống” – ông Hải đề nghị.

Việc thi công chậm trễ không chỉ khiến cho dự án kéo dài thời gian lãng phí tiền của mà nó còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của những hộ dân làng vạn chài Khe Mừ và Triều Dương nói riêng, ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương nói chung. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến tiến độ thi công khu tái định cư làng chài ở đây để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thuỷ Lợi - Minh Phượng (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.