Nhiều gia đình giàu có, chấp nhận bỏ ra cả một núi tiền mong muốn sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Thực tế phần lớn chủ đầu tư dự án thường quảng cáo và giới thiệu là chung cư cao cấp song chất lượng lại nhập nhèm, khiến không ít người dân sinh sống tại các căn hộ này hoang mang, chán nản.
 Ở chung cư cao cấp: Người giàu cũng khóc
Ảnh minh họa. nguồn internet.

Ở chung cư cao cấp vẫn bị sập trần


Liên tiếp trong thời gian gần đây nhiều sự cố sập trần, chủ đầu tư không thực hiện đúng các điều khoản cam kết của hợp đồng đã khiến không ít người dân bỏ cả hàng chục tỷ đồng mua căn hộ cao cấp hoang mang, khó chịu.

Điển hình là vụ việc sập trần một căn hộ ở tầng 20 Chung cư cao cấp Quốc Cường Gia Lai (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM). Theo Ban giám đốc tòa nhà, sự cố sập trần thạch cao là do tác động của gió lùa từ tầng trên xuống do các căn hộ ở tầng này đang hoàn thiện phần cửa thì trời mưa kèm gió mạnh lùa qua hộp đường ống nước của tòa nhà. Lực ép của gió mạnh cộng với trọng lượng của thạch cao làm mối liên kết các xương chính và phụ bị biến dạng dẫn đến trần thạch cao rơi xuống.

Chị Anh - chủ căn hộ cho biết, gia đình chị mua với giá 2 tỷ đồng, diện tích hơn 130 m2 với thiết kế 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, một phòng khách và một nhà bếp. Mặc dù đã chi trả 95% giá trị căn hộ và mới dọn về ở 2 tháng, nhưng đã xảy ra nhiều sự cố.

"Ngoài sự cố sập trần, các vật dụng trong nhà không đúng như hợp đồng. Bồn cầu nhiều lần bị nghẹt vì nước quá yếu. Thanh nhôm cửa kính quá mỏng không khít nên khi trời mưa, nước chảy vào ướt sàn gỗ... Phía ban quản lý cũng cho người sửa nhưng mọi việc vẫn xảy ra", chị Anh cho biết thêm.

Một vụ việc khác đang được dư luận quan tâm trong là hơn 100 khách hàng mua căn hộ chung cư tại tổ hợp cao ốc Keangnam Landmark Tower (đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thông qua Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự khiếu nại về những vấn đề có liên quan đến phí dịch vụ, phí trông giữ xe… mà theo quan điểm của các khách hàng là “vô lý” khi họ đã phải bỏ ra hàng trăm ngàn USD để mua “căn hộ 5 sao” tại đây.

Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự cho biết, có 4 nhóm vấn đề khách hàng “tố” chủ đầu tư dự án Keangnam, gồm: phí quản lý căn hộ quá cao; phí trông giữ ô tô, xe máy cao (1.462.000 đồng/ô tô/tháng, trong khi quy định của Thành phố là 875.000 đồng/ô tô/tháng); công trình chưa hoàn thiện đã thu phí; niêm yết giá căn hộ bằng ngoại tệ. Những vấn đề này cũng đã từng được dân cư tại các dự án chung cư cao cấp khác ở Hà Nội (The Manor, Ciputra, Golden West Lake, Sky City Tower) khiếu nại lên chủ đầu tư.

Ngoài ra, còn không ít các chủ hộ đang sinh sống tại các chung cư được gọi là cao cấp phải dở mếu dở khóc, bất bình với chất lượng nhà ở, với phí dịch vụ cao ngất ngưởng. Ngoài ra, họ còn phải bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để tu sửa những căn hộ mà họ đang sở hữu.

Có thực sự chất lượng?

Mặc dù tiêu chí phân hạng chung cư đã được Bộ xây dựng ban hành hơn 2 năm, nhưng đến nay thông tư này vẫn dường như nằm trên giấy vì người mua nhà vẫn phải tự đóng vai trò là người kiểm định.

Theo nhận xét của một số chuyên gia BĐS, chúng ta đang thiếu thước đo đánh giá phân loại nhà chung cư và thế nào là chung cư cao cấp. Bất cứ chung cư mới xây dựng nào cũng đều tự nhận là cao cấp. Ngoài ra, không ít các dự án chung cư được xây dựng với chất lượng, tiện nghi trung bình và đặc biệt là suất đầu tư thấp cũng được quảng cáo, rao bán giá “chung cư cao cấp”.

Trong khi đó, việc thừa nguồn cung phân khúc này đang được coi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS, giúp thị trường ngày càng gần hơn với sự minh bạch, giá chung cư sẽ dần được ổn định. Điều này cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại, bởi dường như phân khúc này không còn khả năng sinh lời nhiều như trước nữa. Đồng thời chất lượng xây dựng tại các khu chung cư được coi là cao cấp đã phản ánh phần nào giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp. Song sự xuống cấp trầm trọng của một số chung cư cao cấp hiện nay đã đặt ra một dấu chấm hỏi lớn đối với người dân khiến họ lo lắng về chất lượng công trình.

Theo phản ánh của bà Nguyễn An, vài tháng nay bà chạy ngược chạy xuôi khắp các trung tâm môi giới nhà đất để tìm mua một căn hộ chung cư. Tuy nhiên, trong tình trạng nhiều chung cư cao tầng được xây dựng như hiện nay, những người có mong muốn mua được một căn hộ chất lượng và thực sự “cao cấp” quả thực rất khó. Tình trạng nhiều khách hàng mua nhà chung cư trên giấy đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” sau khi nhận được một căn hộ chung cư không đúng như những gì chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng mua bán. Nhiều nhà đầu tư mượn tiếng chung cư cao cấp để bán sản phẩm thấp cấp cho khách hàng. Hệ thống các công trình dịch vụ công cộng phần lớn đều không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Rất nhiều chủ đầu tư lợi dụng cái gọi là chung cư cao cấp mà thực trạng sử dụng, sau mấy năm có những chung cư cao cấp có vữa rơi hoặc lên cao một thời gian có hiện tượng cầu thang bị lắc lư.

Hơn nữa, sự liên kết giữa chủ đầu tư (người bán hàng) và nhà thầu (người làm ra sản phẩm) trong khâu bán sản phẩm đã khiến khách hàng bị thiệt thòi. Đáng lẽ hai đơn vị này phải hoạt động độc lập thì thực tế chủ đầu tư và nhà thầu lại là “người một nhà”, kết quả kiểm tra cũng chỉ là những con số “cho đẹp”, vì thế việc nghiệm thu không thể chính xác.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết của khách hàng mua nhà chung cư là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phân biệt chung cư không rõ ràng. Nhiều người mua nhà trong khi không biết rõ về chất lượng và tiện nghi của ngôi nhà, việc mua bán nhà nhiều khi chỉ thực hiện trên giấy tờ, theo bản vẽ thiết kế, hợp đồng mua bán nhà không thỏa thuận chi tiết, cụ thể về chất lượng tiện nghi hay các dịch vụ liên quan nên khi có vấn đề nảy sinh, họ chỉ còn cách là “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Theo Thảo Nguyên (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.