Trong nửa đầu tháng 9 (từ 1-15/9), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% so với nửa cuối tháng 8, theo số liệu sơ bộ mới công bố của Tổng cục Hải quan.

Xuất nhập khẩu giảm trong nửa đầu tháng 9

Cụ thể, trong kỳ, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 12,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với nửa cuối tháng 8/2022.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,17 tỷ USD, tương ứng giảm 38,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD, tương ứng giảm 31,5%; hàng dệt may giảm 980 triệu USD, tương ứng giảm 44,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 751 triệu USD, tương ứng giảm 29,7%...

Lũy kế đến 15/9, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 9 đạt 13,59 tỷ USD, giảm 13,6% so với nửa cuối tháng 8.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 372 triệu USD, tương ứng giảm 17,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 355 triệu USD, tương ứng giảm 9,8%; kim loại thường khác giảm 162 triệu USD, tương ứng giảm 36,7%; vải các loại giảm 107 triệu USD, tương ứng giảm 17%...

Lũy kế, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện đã đạt 526,04 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 71,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,64 tỷ USD.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như thời gian vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD.

Bộ Công thương cũng đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm, bằng cách đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm. Hiện Việt Nam cũng đang tiếp tục quan tâm mở rộng, tìm những đối tác mới để có thể có hiệp định thương mại tự do mới hoặc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Những khu vực thị trường như ở Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh còn rất nhiều tiềm năng.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.