23/03/2015 9:02 PM
Phần đa DN, chuyên gia đầu ngành đều đồng thuận quan điểm thị trường BĐS 2015 sẽ chuyển biến tích cực ở các phân khúc chủ đạo. Nhìn từ hệ quy chiếu pháp luật lẫn thực tế vận động nền địa ốc, nhà đất chứng kiến cuộc chạy đua của giới kinh doanh, tạo lập BĐS lẫn nhà băng.

Nở rộ số lượng DN thành lập mới, rầm rập tăng nhân sự kinh doanh theo cấp số nhân, sự trỗi dậy của một số “thế lực” chuyên xí phần “độc quyền” phân phối dự án hút khách… Đáng lo, sản phẩm dự án liên tục chứng kiến cảnh tăng giá, bán suất chênh ngay tại phiên mở bán.

Quả ngọt ngày giáp hạt

Thực tế thị trường BĐS Hà Nội 4 tháng qua, một số trường hợp dự án gặt hái thành công ngay khi chào bán đợt đầu hoặc đơn thuần là giới thiệu, công bố.

Ở rổ cao cấp, nhiều dân đầu tư vẫn gật gù với cung cách kinh doanh thể hiện bề dày kinh nghiệm pháp lý lẫn đón đầu tâm lý – sức mua thị trường của Luật gia Trịnh Văn Quyết (dự án FLC 36 Phạm Hùng) hay đã thành chuẩn mực của Vingroup tại Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.

Trở lại món hàng phổ cập (BĐS trung cấp, giá từ 18-23 triệu đồng/m2), thành công của những Helios Tower, Times City, Thăng Long Number One… tiếp tục khẳng định sức mua của Thượng đế đã gia tăng rõ rệt, đặc biệt với những dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng giao nhà.

Bộ mặt thị trường tươi tắn, thanh khoản thêm sinh khí, cánh cửa lợi nhuận vì thế cũng hấp dẫn hàng loạt dự án trở lại sân chơi địa ốc. Goldmark City, Thăng Long Mansion hay “nằm liệt” suốt nhiều năm như Ciri Đại Kim cũng vùng dậy… đổi tên và hoành tráng quảng cáo (dự án Five Star Kim Giang).

Ngoài niềm tin vào thị trường phục hưng, số đông dự án quy mô lớn, vị trí ổn như vừa nêu có thêm sức mạnh nhờ góp sức của nhà băng thông qua các bản hợp đồng tín dụng, cam kết hỗ trợ đảm bảo tiến độ lẫn cho người mua nhà vay ưu đãi.

Không chỉ vậy, sức hút trở lại của miếng bánh địa ốc còn thể hiện rõ rệt qua số lượng DN BĐS thành lập mới. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hai tháng đầu năm nay trên địa bàn cả nước, lĩnh vực BĐS có số DN thành lập mới tăng khoảng 88% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ có 18 DN chấm dứt hoạt động, 147 DN “tạm ngưng” và có tới 81 DN trở lại hoạt động (tăng 53% so năm 2014).

Như vậy, về mặt kỹ thuật, rõ ràng đó là điềm mừng cho ngành BĐS. Có ý kiến cho rằng điều này gián tiếp phản ánh diễn biến chạy đua lập DN trước ngày bấm nút Luật Kinh doanh BĐS 2014 (1/7/2015). Trong đó, yêu cầu vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng được xem là bài toán khó giải nhất với những DN dự tính nhảy vào mỏ vàng địa ốc.

Một điển hình giải thích tình trạng “chưa mở bán đã hết hàng” hiện nay

Trái với dự đoán “môi giới sẽ thất nghiệp” hay “sàn giao dịch tuyệt diệt” do Luật bỏ quy định bắt buộc giao dịch qua sàn, nhiều đơn vị chuyên nghề “mai mối” như Cengroup, Đất Xanh, EZ Việt Nam, Maxland, Hưng Thịnh Corp, Khải Hoàn Land…liên tục thông báo tuyển nhân sự mới.

“Nổi” nhất ở Thủ đô, là quân số cần tuyển thêm tới đây của Siêu thị dự án (nhân lực hiện hữu khoảng 2.000 người) đạt phiên chế của một trung đoàn (1.500 người). Theo sau, là số lượng vài chục tới cả trăm nhân viên cần “bổ sung” mỗi đợt của Maxland, Đất Xanh Miền Bắc thời gian gần đây.

Tăng giá, lại chênh, lại… khổ

Sôi động, đắt hàng như tôm tươi và xuất hiện suất bán chênh ngay lúc

mở bán tại sàn, Times City, Thăng Long Number One, Hòa Bình Green City rồi HH1C Linh Đàm đều chứng kiến cảnh tượng này.

Khác biệt duy nhất là thương hiệu chủ đầu tư và mức chênh. Ở dự án do các ông lớn thực hiện, thì mức chênh có thể lên tới đơn vị trăm triệu đồng/căn (Times City) hay 80% căn hộ xác lập chủ sở hữu chỉ trong một buổi sáng (thông tin từ chủ đầu tư Viglacera về dự án nằm trên đường Khuất Duy Tiến). Cá biệt như ông chủ dự án 505 Minh Khai còn công bố… dừng bán căn hộ từ 15/3 để cân nhắc tăng giá 10% so với hiện hữu.

Chiều 19/3, rất nhiều người nhận được “tin mật báo” rằng HH1C Linh Đàm (chủ đầu tư Xí nghiệp Lai Châu) mở bán tại khách sạn Mường Thanh như mọi khi (!) Vội vã lao tới để mong được suất căn đẹp, giá gốc (rồi sang tay), nhưng không ít người đã “vỡ mộng” ngay sau đó.

Nguyễn Minh, bỏ công sở lúc 14h và “may mắn” được vào tên một suất căn hộ 80m2, giá chưa tới 15 triệu đồng/m2. Hai ngày sau, hàng loạt thông tin khiến công chức này “dở khóc dở cười”. Căn góc đẹp, lại chỉ phải mua chênh 30 triệu đồng nên chắc mẩm bán lại cũng lãi ngót trăm triệu.

Nhưng, hỏi bạn bè mới biết, người mua nhà đang “kỳ thị” nhà giá rẻ do đại gia điếu cày xây vì chất lượng quá thất vọng, mật độ quá cao. Vì vậy, có những người từng “ôm” suất ở HH1B, HH1A đang chết dở vì không thể đẩy đi món hàng được kỳ vọng là gà đẻ trứng vàng.

Ngoài lực lượng sàn giao dịch thường trực ôm hàng (trước thời điểm mở bán) kiểu Âu Lạc luôn cập nhật trên mạng về bảng hàng chi tiết (liên quan tới dự án HH1 Linh Đàm), thị trường thứ cấp đang chứng kiến một số đơn vị kinh doanh đứng ra độc quyền phân phối những dự án siêu “hot”.

Đơn cử, sàn Hoàng Vương, khẳng định độc quyền khâu trung gian ở Hòa Bình Green City, Green Stars Phạm Văn Đồng, Handi Resco Lê Văn Lương. Theo một đại diện DN có mối quan hệ gần với sàn này (xin giấu tên), những sản phẩm qua tay Hoàng Vương, hay các đơn vị quy mô hơn như CenGroup, EZ… căn hộ khi tới tay người mua cuối cùng luôn bị “cõng” thêm một vài giá không nêu trong hợp đồng mua bán.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.