11/09/2021 8:00 AM
Trót đam mê không gian xanh và yêu một lối sống yên bình, gần gũi với thiên nhiên, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ đã lựa chọn bỏ lại ngôi nhà khang trang giữa nội đô Hà Nội để tự xây vườn quê xanh mát giữa penthouse 320m2 ở “thành phố xanh” Ecopark.

Chị Nguyễn Thị Huệ (56 tuổi) đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong suốt một thời gian dài. Khi cuộc sống nội đô trở nên quá ồn ào, xô bồ, chị cùng gia đình đã quyết định chuyển về khu vực ngoại ô. Đây cũng là quyết định đã thay đổi cuộc sống của chị rất nhiều.

Hiện nay, chị là nữ chủ nhân của căn penthouse 320m2 tại khu đô thị Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên. Để cùng hòa nhập và lan tỏa lối sống xanh cho mọi người, chị Huệ đã tìm tòi, áp dụng rất nhiều sáng kiến độc đáo để “tái sinh” rác thải sinh hoạt mỗi ngày.

Trân trọng không gian xanh là công cuộc tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn

Chia sẻ về quyết định đến với con đường “tái sinh” rác thải, chị Huệ cho biết làm việc trong môi trường du lịch, xây dựng cho chị ý thức bảo vệ môi trường.

“Là người rất say mê công việc tái chế với tất cả những đồ phế thải, chứ không chỉ riêng rá, chị thích biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, những đồ trang trí, giúp không gian sống trở nên độc đáo hơn. Điều này tạo cho chị hứng thú nhiều với công việc tái chế và bảo vệ môi trường”, chị Huệ chia sẻ.

Hơn nữa, chị cũng là người yêu thiên nhiên nên mới lựa chọn sống tại Ecopark. Khi sống giữa một môi trường, một cộng đồng luôn lan tỏa thông điệp sống xanh như vậy, tự nhiên ý thức hạn chế rác thải và bảo vệ thiên nhiên của mình cũng được nâng cao.

Đó là lý do mà chị đã xây dựng cho mình thói quen phân loại rác. Với những loại rác thải hữu cơ trong gia đình như vỏ hoa quả, các cọng rau bỏ đi, thức ăn thừa… chị tận dụng để cải tạo đất trong khu vườn quê nhỏ xinh của mình. Như vậy, gia đình vừa hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, vừa có rau sạch để ăn và cây đẹp để ngắm.

Chị tâm đắc rằng: “Thay đổi ngay trong sinh hoạt hằng ngày là mình đã xây dựng được một thói quen bảo vệ môi trường”. Sở hữu tới 4 căn hộ tại Ecopark, chị Huệ cho biết không mất quá lâu để lựa chọn sống tại đây bởi chị ấn tượng với không gian cây xanh.

Ban đầu, chị xác định đây sẽ là căn nhà thứ hai để cuối tuần về chơi ‘đổi gió’. Lúc đó, chị đang có nhà ở trung tâm Hà Nội rồi. Ecopark lại nằm ở ngoại ô, ai cũng sợ tốn thời gian đi lại nên cũng không định sinh sống lâu dài.

“Trong quá trình ở, lại thấy mê thiên nhiên ở đây, mê cả cái văn hóa và cộng đồng cư dân Ecopark nên gia đình đã quyết tâm chuyển về đây. Về rồi mới thấy khác hẳn vì trước đó, tôi ở những khu vực trung tâm nội đô. Mỗi khi ra khỏi nhà, lúc nào cũng cảm thấy ngột ngạt, ồn ào. Còn ở hiện tại, được sống, cảm nhận một môi trường thiên nhiên trong lành, mát mẻ, tự nhiên cảm thấy cả người năng động hẳn ra”, chị bộc bạch.

Mọi không gian trong nhà chị đều gắn liền với đồ thủ công, cây xanh trang trí, tạo cảm giác thư thả và an yên

Chính vì đam mê không gian xanh, sau khi sở hữu căn nhà đầu tiên, chị Huệ đã mua thêm 2 căn hộ nữa tại Ecopark sử dụng làm homestay. Gia đình chị vẫn sử dụng căn penthouse 320m2. Những căn còn lại được chị thiết kế thành homestay nhỏ xinh, có tên là Tumai Home.

Căn homestay của chị được khá nhiều người lựa chọn làm điểm nghỉ dưỡng cuối tuần.

"Vườn quê" giữa lòng penthouse, lan tỏa thông điệp sống xanh

Chị Huệ cho biết có một góc nhỏ để gia đình trồng trọt ít hoa cỏ, cây trái. Trước đây, khu vườn nhà chị trồng nhiều loại hoa khác nhau. Nhưng từ ngày Covid đến giờ, chị bỏ hết hoa đi, chuyển sang trồng rau củ. Bây giờ nhìn lại sẽ thấy, vườn toàn rau cũng có nét đẹp rất riêng, rất thú vị. Nhiều lúc ngắm cà tím trĩu cành, cây bí ngòi lớn phổng phao... không khác gì một vườn cây cảnh.

Chị làm mọi thứ không quá cầu kỳ. Những cái chum, vại được xếp gọn trong các góc, sau đó đổ đất và gieo trồng bên trong nên nhìn rất gọn gàng. Khu vườn nhỏ được design theo kiểu “vườn quê” vì sử dụng những chất liệu như gốm, gạch Bát Tràng. Chị cũng có đặt thêm một số tiểu cảnh truyền thống nữa nên nhìn tổng thể rất hài hòa, đồng nhất với nhau.

Chị chia sẻ rằng: “Đôi khi, chị tận dụng chính rau củ mình trồng để trang trí cho ngôi nhà. Một gốc rau dền hoặc rau cải được đặt vào chum gốm tinh xảo, tự nhiên nó cũng đẹp không kém cây cảnh là bao. Một số loại rau nhỏ xinh như rau bạc hà, hành lá… được bày trí trong góc thay cho các lọ hoa. Cứ siêng năng trồng trọt, cả nhà vừa được ăn, lại vừa được ngắm”.

“Nhờ môi trường và cộng đồng xung quanh đều là những con người yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường nên gia đình chị đều học được rất nhiều thói quen lành mạnh. Những thói quen đó liên tục thay đổi lối sống của mọi người, giúp mỗi thành viên trở nên tích cực hơn.

Những đồ vật mà chị dùng đều thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Chị gần như không dùng đồ nhựa. Với những gì có thể tái chế, chị đều tìm hiểu các cách thức hợp lý nhất để tái sử dụng. Từ giày thêu thổ cẩm vứt đi, chiếc gùi cũ của dân tộc thiểu số, cành đào, cây quất khô đến chiếc áo dài cũ đều có thể biến tấu thành những ‘tác phẩm nghệ thuật’ để trang trí cho căn hộ của mình. Ngoại trừ đồ điện tử, nhà chị luôn ưu tiên sử dụng đồ thủ công truyền thống Việt Nam để trang hoàng.”

Như vậy, xử lý rác trở thành một thú vui vừa giúp ngôi nhà của mình thêm độc đáo, vừa có thể củng cố ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa cách sống xanh với cộng đồng. Đó là những giá trị quan trọng nhất mà chị muốn chia sẻ với mọi người.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.