01/07/2023 3:02 PM
Chu kỳ phát triển mạnh mẽ tiếp theo của thị trường bất động sản dự báo diễn ra vào năm 2024; “Soi” hồ sơ năng lực ứng viên đầu tiên lộ diện trong cuộc đua gói thầu Sân bay Long Thành 35.000 tỉ đồng; Động lực nào đẩy giao dịch bất động sản Lâm Đồng tăng trở lại; TP.HCM dự chi 20.500 tỉ đồng khởi động Vành đai 4... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Động lực nào đẩy giao dịch bất động sản Lâm Đồng tăng trở lại?

Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ quý 3 và quý 4/2022, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh, lần lượt đạt 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch. Nguyên nhân do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao. Trong quý 1/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 giao dịch, huyện Đức Trọng với 506 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 476 giao dịch, huyện Lâm Hà với 442 giao dịch.

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 287 giao dịch. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với 95 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 67 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 61 giao dịch. Nhưng bước sang quý 2/2023, số lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã bật tăng trở lại, với 5.160 giao dịch đất nền và 327 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Chu kỳ phát triển mạnh mẽ tiếp theo của thị trường bất động sản dự báo diễn ra vào năm 2024

Dự báo trên được bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đưa ra tại buổi cập nhật thông tin về thị trường bất động sản quý 2 vừa diễn ra tại TP.HCM. Lý giải cho nhận định thị trường sẽ hồi phục trở lại vào năm 2024, bà Trang đưa ra nhiều cơ sở.

Đầu tiên, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn tốt, nhà đầu tư vẫn dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam. Dòng vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào bất động sản, họ quan tâm và cam kết đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những hoạch định cam kết phát triển cơ sở hạ tầng, điều này cũng thu hút nhà đầu tư. Theo Bộ Giao thông Vận Tải, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc.

Các tín hiệu cơ sở hạ tầng đang rất tích cực. Chẳng hạn như sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng; khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư 75 nghìn tỷ đồng; tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng.

“Soi” hồ sơ năng lực ứng viên đầu tiên lộ diện trong cuộc đua gói thầu Sân bay Long Thành 35.000 tỉ đồng

Liên danh Hoa Lư có sự tham gia của 4 doanh nghiệp xây dựng lớn là Tập đoàn Hòa Bình, Tập đoàn Conteccons, Công ty Xây dựng Central Cons và Công ty CP Xây dựng An Phong.

Tập đoàn Hòa Bình đã từng tham gia xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn trong đó phải kể đến vai trò nhà thầu chính trong các dự án tại 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước: Thi công nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài (2012) và mở rộng Nhà ga hành khách Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (2015). Công ty CP Xây dựng An Phong đã tham gia thi công 2 dự án hạ tầng lớn như Cảng Cát Lái (2018) và Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển Quảng Nam (2016). Ngoài ra doanh nghiệp này cũng có nhiều kinh nghiệm với các công trình nhà ở, khách sạn, nhà máy, trường học, tòa nhà văn phòng và thương mại.

Trong khi đó, Coteccons đã và đang triển khai thi công nhiều công trình gắn liền với khu dân cư, khu công nghiệp, khách sạn quy mô lớn. Đối tác của Coteccons là các tên tuổi lớn như Vinhomes, InterContinental, Hòa Phát và gần đây nhất là tập đoàn Lego của Đan Mạch,…Công ty Xây dựng Central Cons mới được thành lập vào năm 2017. Dù vậy, nhà thầu này đã có kinh nghiệm triển khai các công trình đa lĩnh vực từ khu dân cư, công nghiệp đến nghỉ dưỡng, cao ốc văn phong và công trình y tế - giáo dục.

Sau vụ sạt lở nghiêm trọng, Trưởng phòng quản lý đô thị Đà Lạt bị đình chỉ công tác

Sau vụ sạt lở tại công trình đang xây trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) khiến hai người chết, chiều 29/6, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo các sở ngành, các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc rà soát các dự án, công trình trên địa hình có độ dốc cao, nguy cơ sạt trượt.

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị này phải kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình cũng như toàn bộ quá trình thi công… UBND tỉnh cũng có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt. Việc này để làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phòng và các tập thể, cá nhân liên quan trong cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực vừa xảy ra sự cố.

Sau Vành đai 3, TP.HCM dự chi 20.500 tỉ đồng khởi động Vành đai 4

TP.HCM đang tìm phương án phù hợp để thực hiện dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn. Trong đó, phương án khả thi nhất được đơn vị tư vấn đề xuất có chiều dài 17,12km, tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỉ đồng. Theo phương án này, tuyến có chiều dài khoảng 17,12 km, giải toả 160 ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính 13.883 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện khoảng 20.500 tỉ đồng. Đơn vị tư vấn, cho biết phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn hai.

Ngoài phương án trên, đơn vị tư vấn còn trình bày 2 phương án khác: Cụ thể, phương án một có hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này tuy diện tích giải tỏa ít hơn nhưng do trùng với các tuyến đường hiện hữu nên số lượng hộ dân di dời lên đến 1.100 hộ. Chi phí đầu tư gần 17.800 tỉ đồng, nếu dự án đi trên cao vốn đầu tư lên đến 25.000 tỉ đồng. Phương án thứ hai hướng tuyến về phía Đông Nam với chiều dài 16,95km, tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng. Dù là hướng ngắn nhất, chi phí đầu tư thấp nhất nhưng đơn vị tư vấn cho biết, tuyến sẽ cắt ngang khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên khó khăn thực hiện.

Bàn giao mặt bằng Vành đai 3: Hóc Môn “về đích” đầu tiên, vượt tiến độ 6 tháng

Thông tin từ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn, đến ngày 28/6, 330 hộ gia đình, tổ chức thuộc diện di dời dự án đường Vành đai 3 đã đống ý nhận tiền bồi thương giải phóng mặt bằng cho dự án.

Với 100% diện tích (gần 90ha) được bàn giao, huyện Hóc Môn là địa phương đầu tiên của TP.HCM hoàn thành giải phóng mặt bằng cho tuyến Vành đai 3. Thành tích này vượt tiến độ đề ra trước 6 tháng (trước ngày 31/12/2023). Huyện Bình Chánh đang là địa phương đứng thứ hai về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng với 136/145 ha, cho 199 trường hợp (đạt 94%). Huyện Củ Chi đã chi trả 57/65ha (đạt 88,5%). Cuối cùng là TP. Thủ Đức hiện đã bàn giao gần 74% mặt bằng với 73/99 ha.

Có nên xây cầu nối Biên Hòa với quận 9, TP.HCM?

TP.Biên Hòa đề xuất bổ sung vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực xã Long Hưng với Q.9, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào quy hoạch. Theo TP. Biên Hòa, khu vực xã Long Hưng đang phát triển mạnh các chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai. Để phục vụ phát triển, dự án hương lộ 2 nối dài và cầu Vàm Cái Sứt cũng đang được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên tuyến đường này kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Do đó, rất cần xây dựng cầu kết nối trực tiếp giữa khu vực Long Hưng và quận 9. Khảo sát thực tế, khu vực xã Long Hưng trong những năm gần đây đã và đang mọc lên hoàng loạt dự án bất động sản đình đám. Trong đó, có siêu dự án Aqua City với quy mô gần 1.000ha.

  • Nóng trong tuần: Thu nhập bao nhiêu mới mua được nhà tại TP.HCM?

    Nóng trong tuần: Thu nhập bao nhiêu mới mua được nhà tại TP.HCM?

    Thu nhập ít nhất 30 triệu đồng mỗi tháng mới mong mua nhà ở TP.HCM; TP.HCM chi 1.000 tỉ đồng “dọn sạch” mặt bằng cho tuyến metro số 2; Bộ trưởng Xây dựng khẳng định giao dịch bất động sản qua sàn không làm tăng giá bán; Novaland tái khởi động dự án Aqua City... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.