CafeLand - Đề xuất nâng trần nhà thương mại giá thấp ở TP.HCM lên 25 triệu đồng/m2; Người nghèo đô thị không có tiền mua nhà có thể chọn thuê nhà; Yêu cầu sớm giải ngân 23.000 tỉ cho sân bay Long Thành; Tại sao giá nhà đất không giảm bất chấp Covid-19... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Tại sao giá nhà đất không giảm bất chấp Covid-19?

Không ít người kỳ vọng Covid-19 sẽ cho họ cơ hội mua được nhà đất giá rẻ. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Tại buổi tọa đàm “thị trường bất động sản thế nào sau Covid-19”, các chuyên gia cho rằng nguồn cung bị ách tắc do rào cản pháp lý đã tước đi cơ hội mua nhà giảm giá của nhiều người.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không phải bây giờ mới khó. Lĩnh vực này luôn có độ trễ, từ khi dự án triển khai cho tới khi đi vào vận hành, từ chính sách tác động đến hoạt động đến các doanh nghiệp.

Đề xuất nâng trần nhà thương mại giá thấp ở TP.HCM lên 25 triệu đồng/m2

HoREA đồng ý với các gợi ý bước đầu của Bộ Xây dựng về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại giá thấp như: dự án nhà chung cư có diện tích căn hộ không quá 70m2. Cả chủ đầu tư dự án và người mua nhà đều được vay lãi suất ưu đãi 7-8%/năm. Ngoài ra, không khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư; được giải quyết nhanh thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng; được hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Về giá bán căn hộ, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đồng ý với mức giá trần không vượt quá 20 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) do Bộ Xây dựng đưa ra. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, có thể mức giá trần trên 20 triệu đồng/m2, nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2.

Người nghèo đô thị không có tiền mua nhà có thể chọn thuê nhà

Thay mặt cho Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, trả lời: “Pháp luật nhà ở hiện hành đã có những quy định cụ thể về chính sách nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cho từng nhóm người. Về nhà ở xã hội đã có quy định cụ thể có thể mua hoặc thuê mua. Người nào có tiền thì mua hoặc thuê mua, người chưa đủ tiền thì thuê nhà”.

Ông Ninh cho hay pháp luật quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về thu nhập, chưa có chỗ ở và điều kiện lưu trú tối thiểu từ một năm trở lên tại nơi mua nhà.

Covid-19 thay đổi vị thế giữa chủ nhà và khách thuê

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến các nhà bán lẻ phải tiến hành những cuộc đàm phán sòng phẳng hơn với chủ nhà, với kết quả có thể sẽ làm thay đổi cục diện thương mại bất động sản trong dài hạn, theo Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam.

Theo báo cáo của JLL, đại dịch không phải là điều khoản ràng buộc trong hầu hết các loại hợp đồng thương mại. Trừ khi các hợp đồng mô tả rõ ràng cụm từ “dịch bệnh” hoặc “đại dịch” là một sự kiện bất khả kháng. Nếu không thì chủ nhà sẽ không có nghĩa vụ phải cung cấp bất kỳ sự nhượng bộ nào về tiền thuê.

Dự án “tầm nhìn triệu đô” nhưng dính nhiều sai phạm ở Nha Trang

Ocean View Nha Trang sở hữu vị trí tuyệt đẹp với tầm nhìn bao trọn Vịnh Nha Trang. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, dự án dính hàng loạt sai phạm về xây dựng không phép, xây vượt tầng. Những sai phạm này như khối “u nhọt” chưa thể trị dứt điểm suốt nhiều năm qua.

Dự án được cấp phép từ năm 2009, chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thiện Nhân II do ông Nguyễn Việt Hùng làm giám đốc. Theo quy hoạch dự án có tổng diện tích 7,3ha, trong đó phần đất xây dựng là 5ha, diện tích còn lại là rừng phòng hộ. Quy mô dự án được xây dựng 69 căn biệt thự, không phân lô bán nền.

Quốc hội quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

Sáng nay (19/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng.

TP.HCM: Quy trình thực hiện dự án nhà ở thương mại vẫn "bình mới rượu cũ"

Dù đã được lấy ý kiến tại nhiều cuộc họp, thậm chí chỉnh sửa nhiều lần, nhưng dự thảo quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM mới đây vẫn còn nhiều khúc mắc.

Qua quá trình phối hợp với các sở, ngành, cùng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Sở Xây dựng TP.HCM đã báo cáo UBND Thành phố rất nhiều lần để định hình được các trình tự, thủ tục. Hiện tại, trên phương án được cho là gần cuối cùng, Sở đề xuất một quy trình rất rõ ràng và súc tích. Đồng thời, cũng chỉ ra được rất rõ từng bước thủ tục thuộc trách nhiệm của sở, ngành nào và thời gian thực hiện là bao lâu.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.