28/12/2024 6:45 PM
Giá bất động sản dọc tuyến metro hơn 47.300 tỷ đồng ở TP.HCM đang ra sao; Đến năm 2035, TP.HCM sẽ phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị; Giá nhà Việt Nam đã gấp 60 năm thu nhập của một người, nhiều hơn mức tăng 20% trong một quý; Bình Định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho loạt dự án tại Khu kinh tế Nhơn Hội... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Ảnh: Phong Vân

Đến năm 2035, TP.HCM sẽ phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ sự kỳ vọng vào tương lai của mạng lưới đường sắt đô thị TP, đặc biệt là với Đề án phát triển đường sắt đô thị TP vừa được Bộ Chính trị thông qua.

“Đến năm 2035, TP.HCM sẽ phải phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng nếu cùng với nhau, chúng ta có cách làm thì chúng ta sẽ làm được”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong các đơn vị tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, không chỉ vận hành hiệu quả tuyến metro số 1 mà còn phát triển nhanh chóng mạng lưới đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Liên quan đến tiến độ triển khai các tuyến metro tiếp theo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị liên quan sớm giải quyết các kiến nghị của nhà thầu và báo cáo các vấn đề tồn tại trong quá trình vận hành. Nếu TP đặt mục tiêu khánh thành tuyến metro số 1 vào ngày 9/3/2025 thì phải giải quyết các kiến nghị này và có hướng giải quyết rõ ràng trước khi tổ chức khánh thành chính thức.

Ông cũng đề cập đến công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành; đồng thời yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hệ thống metro hoạt động an toàn, đúng giờ và hiệu quả, học hỏi từ các nước có hệ thống metro phát triển như Nhật Bản. Đặc biệt lưu ý về các tiện ích, kết nối giao thông và các điểm dừng xe buýt tại các ga, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Giá bất động sản dọc tuyến metro hơn 47.300 tỷ đồng ở TP.HCM đang ra sao?

Không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên góp phần không nhỏ trong việc định giá của bất động sản khu vực nó đi qua. Hiện nay, đã và đang có hàng loạt dự án bất động sản được xây dựng dọc hai bên tuyến metro hơn 47.300 tỷ đồng này.

Theo một báo cáo của Savills Việt Nam, giá căn hộ dọc theo tuyến metro số 1 đã liên tục gia tăng từ thời điểm mở bán với mức tăng trung bình từ 35 - 70% tùy thuộc vào vị trí, cá biệt có dự án gấp đôi trong giai đoạn 2015-2023.

Cụ thể, giá căn hộ tại một dự án nằm sát tuyến metro kết nối từ trung tâm đến TP Thủ Đức, mở bán từ cuối năm 2014, năm 2015 có giá từ 35-39 triệu đồng/m2 thì đến thời điểm quý 2/2024 đã đạt giá thứ cấp dao động từ 69-75 triệu đồng/m2.

Tuyến metro số 1 dài 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao gồm Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên và Bến xe Miền Đông mới. Trong đó, 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son đi qua khu vực trung tâm thành phố, đây cũng là khu vực có giá Bất động sản cao bậc nhất hiện nay tại TP.HCM. Ngay nhà ga Bên Thành là siêu dự án One Central HCM.

Giá nhà Việt Nam đã gấp 60 năm thu nhập của một người, nhiều hơn mức tăng 20% trong một quý

Chia sẻ tại diễn đàn “Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới” diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không được gấp quá 30 năm thu nhập của một công nhân. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng Bất động sản xuất hiện. Tuy nhiên, giá Bất động sản ở Việt Nam đã tăng chóng mặt, giá nhà đâu đó đã gấp khoảng 60 năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia thông tin, một khảo sát mới nhất của một tổ chức chuyên nghiên cứu về Bất động sản cho thấy, người dân Việt Nam phải mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được một căn nhà giá trung bình, so với bình quân của thế giới là 14,5 năm.

Theo ông Lực, chỉ số tăng giá Bất động sản của Việt Nam từ năm 2019 đến nay tăng nhanh nhất khu vực, đặc biệt là nhà ở và đất nền. “Luật Kinh doanh Bất động sản đã yêu cầu Chính phủ phải can thiệp nếu giá Bất động sản tăng 20% một quý. Tuy nhiên thời gian qua, giá nhà đã tăng nhiều hơn 20%. Do đó sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục can thiệp để giá Bất động sản phù hợp, bền vững hơn cho cả người mua lẫn người bán”, ông Lực nói thêm.

Ông Lực khẳng định, không thiếu nguồn vốn để cung cấp cho thị trường Bất động sản. Nguồn vốn ngân hàng cho Bất động sản vẫn tăng 9,15% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%, tức là người dân chưa vay tiền để đi mua nhà.

Từ thực tế này, ông Lực đã đưa ra nhiều giải pháp cho thị trường Bất động sản. Trong đó, ông lưu ý cần tăng nguồn cung.

Dự án "siêu khủng" tại Cần Giờ dự kiến triển khai từ tháng 4/2025, đón dân số gấp 3 lần hiện tại, tạo 36.000 việc làm và hút hàng triệu du khách

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha dự kiến được triển khai từ từ tháng 4/2025 và hoàn thành vào năm 2030.

Công ty Cổ phần đô thị Du lịch Cần Giờ (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đang xin ý kiến tham vấn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Dự án này có quy mô 2.870 ha nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, dự kiến tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Trong đó phần lấn biển khoảng 65.600 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc khoảng 184.700 tỷ đồng.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, hiện trạng khu vực dự án nhìn chung đều là mặt nước, chưa có công trình ngầm xây dựng. Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này có thể hoàn thành vào 2030.

Khu đô thị trên gồm 4 phân khu A, B, C và D-E. Trong đó khu A rộng nhất với 950 ha, gồm các mặt giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh) và thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Phân khu B gần 660 ha, một mặt giáp biển Đông, còn lại giáp đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4. Phân khu này sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng), cây xanh đô thị và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Bình Định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho loạt dự án tại Khu kinh tế Nhơn Hội

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý Khu kinh tế xây dựng kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng đối với từng dự án cụ thể, nội dung đầy đủ, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 12/2024.

Ban Quản lý Khu kinh tế lập hồ sơ, thủ tục, đo đạc lập Bản đồ địa chính các khu tái định cư trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, hoàn thành trong tháng 12/2024.

Đối với Dự án Khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng và phục hồi chức năng, ông Hoàng giao Ban Quản lý Khu kinh tế thông báo cụ thể thời gian cho các hộ di dời mồ mả, quá thời hạn mà các hộ vẫn không thực hiện thì lập thủ tục đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo di dời theo quy định.

Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục vận động hộ ông Đồng Thanh Giỏi thực hiện kê khai, kiểm đếm, nếu hộ vẫn không thực hiện, không đồng thuận thì hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo, thực hiện kiểm đếm bắt buộc.

Hà Nội: Hơn 1.000 dự án vướng bồi thường về đất

Tại hội nghị Tổng kết 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025 mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 dự án dở dang đang có vướng mắc về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do chuyển tiếp Luật Đất đai.

Theo cơ quan quản lý, thực tế này đã dẫn đến một số vướng mắc như chính sách giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án không đồng nhất, người được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 cơ bản có lợi hơn.

Bên cạnh đó, nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp cũng phát sinh vướng mắc.

Thời gian qua, nhiều dự án đã được UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các bước như điều tra kiểm đếm và tài sản trên đất; xác nhận nguồn gốc sử dụng đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức niêm yết công khai phương án theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, nếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn về thời gian, tiến độ, chi phí.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.