09/11/2019 12:06 PM
CafeLand - Thủ tục xây dựng khiến doanh nghiệp ngán ngẩm; Gian nan cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại tắc vốn; Hơn 6 tỷ USD vốn FDI đổ vào TP.HCM; Doanh nghiệp bất động sản lại lo đói vốn; Lợi nhuận thấp, nhiều cổ phiếu bất động sản có giá thấp hơn giá trị sổ sách... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Hơn 6 tỷ USD vốn FDI đổ vào TP.HCM

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, 10 tháng năm 2019 thành phố đã thu hút được 6,17 tỷ USD vốn FDI, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, 10 tháng qua có 1.046 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đạt 1,07 tỷ USD (tăng 23,2% số dự án cấp mới và tăng 46,5% vốn đầu tư). Dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư là 256 lượt với số vốn tăng thêm đạt 717,64 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp phép mới và tăng vốn đạt hơn 1,78 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận thấp, nhiều cổ phiếu bất động sản có giá thấp hơn giá trị sổ sách

2019 được xem là năm khả quan của thị trường bất động sản khi giá nhà đất ở nhiều nơi vẫn tăng mạnh. Thế nhưng, hiện đang có một nghịch lý trên thị trường. Đó là kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết lại khá tệ hại.

Không chỉ có vậy, có những dấu hiệu cho thấy, không ít doanh nghiệp bất động sản đang “đói vốn” và gặp nhiều khó khăn trong thanh khoản. Thống kê kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm 2019 cho thấy, lợi nhuận của đa số doanh nghiệp niêm yết khá thấp và thị giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách.

Lo ngại tình trạng hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam

Theo các chuyên gia, tình trạng hàng hóa Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị các nước điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Điều này nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất trong nước, khiến Việt Nam mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm với tổng giá trị 4,3 tỉ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc, định xuất sang Mỹ với nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Đây được coi là vụ có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp bất động sản lại lo đói vốn

Việc chính quyền địa phương thận trọng hơn trong việc cấp phép dự án, cộng với viễn cảnh dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản ngày càng bị siết chặt lại đang khiến nhiều doanh nghiệp lo sẽ không tìm đâu ra vốn để phát triển dự án. Việc dự án “chôn chân” suốt nhiều tháng liền đã khiến cho khách hàng mua căn hộ tại đây lo lắng. Mới đây, hàng chục khách hàng đã phải tụ tập trước công trường dự án căng băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đại diện chủ đầu tư đưa ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nổi bật là việc doanh nghiệp này không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng bởi tín dụng vào bất động sản đang ngày càng bị siết chặt.

Gian nan cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại tắc vốn

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang đứng trước nguy cơ lụt tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 vì tắc vốn tín dụng.

Quốc hội đã đồng ý chủ trương bố trí phần vốn góp của Nhà nước 2.186 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp; các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư cũng vào cuộc quyết liệt nhưng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang đứng trước nguy cơ lụt tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 vì tắc vốn tín dụng.

Thủ tục xây dựng khiến doanh nghiệp ngán ngẩm

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, hoạt động kinh doanh và tiến độ dự án bị ảnh hưởng do liên quan đến các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Việc điều chỉnh quy hoạch còn chậm, thậm chí nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế.

Ông Trần Trọng Khang, Trưởng phòng đầu tư xây dựng của Công ty môi trường đô thị TP.HCM, cho biết dự án của công ty ông nằm trong một khu vực đã có quy hoạch phân khu và đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện nay, thành phố đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu này, và việc rà soát đó không ảnh hưởng đến quy hoạch chi tiết dự án của công ty ông.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.