07/11/2019 8:13 AM
CafeLand – Theo các chuyên gia, tình trạng hàng hóa Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị các nước điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Điều này nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất trong nước, khiến Việt Nam mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Gian lận xuất xứ

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm với tổng giá trị 4,3 tỉ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc, định xuất sang Mỹ với nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Đây được coi là vụ có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp bị phát hiện là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu. Công ty này dù có công nghệ, dây chuyền sản xuất nhưng lại nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỉ USD. Lý do được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết là nhôm Việt Nam xuất Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường này phải chịu thuế lên đến 374%.

“Vụ việc nhập khẩu nhôm này, nếu xác minh có dấu hiệu gian lận xuất xứ, mượn Việt Nam để tạm nhập tái xuất nhằm lách thuế sẽ rất nguy hiểm, khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận khiến nhiều công ty khác chịu ảnh hưởng theo. Nếu không xuất đi được mà để lại trong nước tiêu thụ cũng sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước”, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, nhận định.

Cảnh báo về tình trạng gian lận xuất xứ, Tổng cục Hải quan cho biết đã "khoanh vùng" 15 nhóm hàng như dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ... có nguy cơ bị gian lận, giả mạo xuất xứ do có sự gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường như Mỹ.

Tính riêng trong tám tháng năm 2019 đã có bảy vụ việc điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra một số nước đang xem xét khởi xướng các vụ việc khác. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là nhôm, thép, sợi đồ gia dụng điện tử thuỷ sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời… Nhìn chung các mặt hàng bị điều tra đều là các mặt hàng Mỹ, EU đã áp thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Trong thời gian tới, khi diễn biến của thương chiến Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng, nhiều sản phẩm của Trung Quốc sẽ chịu thuế đến 30% nên chênh lệch thuế so với hàng hóa từ Việt Nam càng lớn. Do vậy nguy cơ hàng hóa bất hợp pháp, gian lận xuất xứ cũng cần xác định rõ để có biện pháp phù hợp.

Cần kịp thời ngăn chặn, xử lý

Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần siết chặt các quy chuẩn, quy định cụ thể cho định nghĩa hàng Việt. Đây là điều cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kẽ hở, lập lờ trong việc nhập linh kiện từ nước ngoài về, chỉ gia công lắp ráp nhưng sau đó lại đề là sản phẩm của Việt Nam nhằm trục lợi niềm tin của người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều 6/11 về tình trạng này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ "không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này".

Bộ trưởng cho biết đã nhận diện được thực trạng từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

"Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua", ông nhấn mạnh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Trong đó, Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước, tránh gian lận xuất xứ.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Các cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là đối với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, điều tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận.

Bên cạnh đó cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.