CafeLand – Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, hoạt động kinh doanh và tiến độ dự án bị ảnh hưởng do liên quan đến các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Việc điều chỉnh quy hoạch còn chậm, thậm chí nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế.

Đó là nội dung được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đưa ra tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, cấp phép xây dựng, phát triển dự án bất động sản do Sở Xây dựng TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức mới đây.

Ông Trần Trọng Khang, Trưởng phòng đầu tư xây dựng của Công ty môi trường đô thị TP.HCM, cho biết dự án của công ty ông nằm trong một khu vực đã có quy hoạch phân khu và đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện nay, thành phố đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu này, và việc rà soát đó không ảnh hưởng đến quy hoạch chi tiết dự án của công ty ông.

Vậy Sở Xây dựng có thể cấp giấy phép xây dựng cho dự án, hay phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu xong rồi mới được cấp phép, ông Khang đặt câu hỏi.

Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng cấp phép của Sở Xây dựng TPHCM, trả lời nếu việc điều chỉnh quy hoạch phân khu không liên quan đến quy hoạch 1/500 của dự án thì sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp giấy phép xây dựng.

Ông Tiến cho biết, trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt, chủ đầu tư cần triển khai hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để cơ quan có chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định làm cơ sở để cấp giấy phép xây dựng.

Đại diện Công ty Phúc Đạt nêu khó khăn của dự án mình, cho biết dự án đã được cập nhật 1/2000 từ năm 2012. Tuy nhiên, sau đó công ty có một số điều chỉnh thiết kế nên đã trình với UBND TP.HCM để xin chấp thuận. Sau khi đã được UBND thành phố chấp thuận, công ty làm các hồ sơ thiết kế cơ bản để nộp Sở Xây dựng xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, Sở Xây dựng trả hồ sơ với lý do: chờ Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cập nhật quy hoạch 1/2000.

“Vậy việc cập nhật lại quy hoạch 1/2000 có quy định hay không? Nếu có thì bao lâu? Vì dự án của chúng tôi đã được UBND thành phố chấp thuận điều chỉnh nhưng đến nay vẫn phải chờ Sở Quy hoạch Kiến trúc cập nhật lại. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, đại diện Công ty Phúc Đạt phát biểu.

Trả lời vấn đề của Công ty Phúc Đạt, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, quy định điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch có hai loại. Một là điều chỉnh tổng thể khi mà các nội dung điều chỉnh tác động lớn đến khu vực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thứ hai là điều chỉnh cục bộ, thường là đối với các dự án và việc điều chỉnh này không ảnh hưởng lớn đến đô thị.

Để thực hiện điều chỉnh cục bộ thì cơ quan quản lý quy hoạch phải rà soát và báo cáo UBND thành phố về các nội dung điều chỉnh. Sau khi được UBND thành phố chấp thuận mới tiến hành điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu đó.

Nếu trong trường hợp rà soát mà các chỉ tiêu thay đổi tác động lớn đến đô thị, thì phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể. Lúc này cơ quản quản lý quy hoạch vẫn phải xin UBND thành phố đánh giá các điều kiện, cụ thể gồm năm điều kiện quy định tại điều 47 Luật Quy hoạch. Nếu rơi vào một trong năm điều kiện này thì UBND thành phố sẽ chấp thuận điều điều chỉnh.

Đại diện Công ty Kiến Vàng đặt vấn đề, công ty có một khu đất trước đây được UBND thành phố giao với hình thức là thuê đất trả tiền hàng năm. Bây giờ công ty mong muốn được phát triển dự án nhà ở hỗn hợp trên khu đất này. Vậy công ty phải liên hệ cơ quan nào để được giải quyết?

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trả lời thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, vấn đề này được phân ra thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là đã có quyền sở dụng đất ở hợp pháp. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì thủ tục thực hiện dự án nhà ở sẽ đi theo quy trình của Luật Nhà ở, và cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thực hiện thủ tục này là Sở Xây dựng.

Trường hợp thứ hai là doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Doanh nghiệp có đất, nhưng là đất chuyên dùng với chức năng xây dựng nhà xưởng, hoặc có giấy chứng nhận đất nông nghiệp do đã hoàn tất việc đền bù, mua bán đối với các hộ dân, thì thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thực hiện các thủ tục này.

Liên quan đến tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Địa ốc Xanh, cho rằng hiện nay nguồn cung thị trường đang giảm sút nghiêm trọng mà nguyên nhân là do nhiều dự án nhà ở đang bị “ách tắc” về các thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng.

Ông Đực kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Xây dựng sớm có những biện pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản có thể sớm triển khai các dự án.

Ông Kiên cho biết, trước khó khăn của thị trường bất động sản, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để cùng tìm hướng tháo gỡ. Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đã tập hợp các khó khăn vướng mắc gửi đến Thủ tướng, Bộ Xây dựng.

UBND thành phố cũng đã có thông báo gửi cho Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong đó định hướng cho các sở ngành nghiên cứu để làm cơ sở tập hợp báo cáo cho thành phố về trình tự thủ tục, gỡ vướng mắc các doanh nghiệp bất động sản.

  • Xây dựng xong mới xin giấy phép xây dựng?

    Xây dựng xong mới xin giấy phép xây dựng?

    Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:<br/br> Tôi có mua lô đất thổ cư diện tích 5x25. Và tôi muốn xây dựng ngay, nhưng tôi chưa xin giấy phép xây dựng. Luật sư cho tôi hỏi, sau khi xây dựng xong, tôi đi xin giấy phép xây dựng được không? Khi đó thì tôi có bị phạt không? Mong luật sư giải đáp giúp. Xin cảm ơn.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.