Hình minh họa
Hà Nội đề xuất đầu tư hơn 71.000 tỷ đồng xây đường kết nối sân bay Gia Bình
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 1638/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường quan trọng kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội. Đây là một dự án hạ tầng chiến lược, có tổng mức đầu tư lên đến 71.150 tỷ đồng, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Bắc và tăng khả năng liên kết vùng.
Theo đề xuất, tuyến đường bắt đầu từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và kết thúc tại nút giao tuyến đường nối cầu Tứ Liên với Đường Vành đai 3 Hà Nội. Tổng chiều dài tuyến khoảng 35,43km, trong đó đoạn đi qua địa phận TP.Hà Nội dài 14km và đoạn còn lại dài hơn 21km nằm trên địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Toàn tuyến được thiết kế với mặt cắt ngang 120m, phù hợp với tiêu chuẩn cao tốc đô thị. Đặc biệt, đoạn 7km từ ranh giới Bắc Ninh – Hà Nội đến Vành đai 3 sẽ được xây dựng mới hoàn toàn, trong khi đoạn 7km còn lại (trùng với một phần Vành đai 3 Hà Nội) sẽ được cải tạo mở rộng từ quy mô hiện tại 35m lên 120m.
Sân bay Long Thành chuẩn bị khởi công đường băng số 2, hé lộ thời điểm đưa vào khai thác
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đang hoàn tất thủ tục để khởi công đường cất hạ cánh số 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Đây là một trong những hạng mục then chốt nhằm đảm bảo hai đường băng có thể đưa vào khai thác đồng bộ trong nửa đầu năm 2026.
Đến thời điểm hiện tại, hạng mục đường băng số 1 đã hoàn thành, sẵn sàng cho bay hiệu chuẩn, rút ngắn tiến độ tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Gói thầu sân đỗ máy bay và khu cung cấp nhiên liệu cũng đáp ứng tiến độ yêu cầu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Nhà ga hành khách cũng đang được đẩy nhanh thi công. Dự kiến trong tháng 6/2025, nhà thầu sẽ hoàn tất việc lợp mái khu trung tâm, đảm bảo kín nước để triển khai lắp đặt thiết bị bên trong. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành thiết kế cơ sở cho hạng mục hangar (khu sửa chữa, bảo dưỡng máy bay), đang trong quá trình chuẩn bị khởi công vào tháng 6. Vietjet Air cũng đồng thời triển khai thiết kế và lựa chọn nhà thầu để đẩy nhanh phần việc của mình.
Gói thầu 4.8, bao gồm thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và thiết kế chi tiết hệ thống giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật, hiện là gói lớn nhất của dự án với hơn 20.000 đầu việc. Các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, thi công ngày đêm để đảm bảo tiến độ.
Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những sân bay hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á, công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Thông tin từ tỉnh Đồng Nai về phương án mới nhất xây cầu Cát Lái
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đã thống nhất với TP.HCM về việc giao Sở Xây dựng của 2 địa phương nghiên cứu lại kế hoạch triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái (Cầu Cát Lái) theo hướng phân chia dự án thành phần do các địa phương thực hiện, không góp chung thành dự án lớn, để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Tỉnh Đồng Nai đã đưa ra phương án phân chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng phía TP.HCM với kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng, do UBND TP.HCM triển khai thực hiện. Dự án thành phần 2 giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai với kinh phí khoảng 2.967 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái với kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BOT có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách. Trong đó, nguồn vốn BOT chiếm 51%, nguồn vốn ngân sách là 49%.
Dự án thành phần 4 đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí Cầu Cát Lái (khoảng km 6 300) đến cuối tuyến phía Đồng Nai với kinh phí khoảng 3.779 tỷ đồng, do tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện.
Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai làm việc với 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia đủ số lượng 500.000 tỷ, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Thông tin được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Chính phủ chiều 6/5.
Theo ông Tú, gói 500.000 tỷ là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng trên tinh thần triển khai gói tín dụng nông lâm, thủy hải sản rất tích cực. Gói này hiện nay chúng tôi đặt ra mức là 100.000 tỷ, lúc đầu chỉ có 15.000 tỷ nhưng giải ngân rất tích cực, nhanh, nên bây giờ mở rộng quy mô lên gần 100.000 tỷ.
Gói 500.000 tỷ thì Thủ tướng chỉ đạo theo hướng triển khai cho hai đối tượng: Một là đầu tư phát triển hạ tầng và thứ hai là phát triển công nghệ. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại, lên kế hoạch triển khai gói này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngân hàng 60.000 tỷ.
Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị. 5 ngân hàng khác tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng một ngân hàng. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm. Và gói này sẽ dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại chứ không phải nguồn ngân sách hay của nước ngoài. Hoàn toàn là nguồn lực các ngân hàng thương mại từ việc giảm chi phí, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, nhất là cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Đồng Nai và Bình Dương sắp có thêm 6 cây cầu mới
Mới đây, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương vừa thống nhất phương án đầu tư 6 cây cầu đường bộ mới bắc qua sông Đồng Nai. Các công trình này sẽ được khởi công trong giai đoạn 2025 – 2026, góp phần quan trọng giải quyết bài toán hạ tầng liên tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương nói riêng và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cụ thể, theo công văn ngày 5/5/2025 từ UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã gửi đề xuất đến UBND tỉnh Bình Dương nhằm thống nhất phương án phân chia trách nhiệm đầu tư 4 cây cầu đường bộ, gồm: cầu Tân An, cầu Thạnh Hội, cầu Tân Hiền và cầu Xóm Lá 2.
Trước đó, vào tháng 4/2025, Sở Xây dựng hai tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp để rà soát, thống nhất phương án triển khai và phân công nhiệm vụ thực hiện các dự án nói trên.
Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đầu tư cầu Tân Hiền và cầu Xóm Lá 2, trong khi tỉnh Bình Dương sẽ đảm nhận cầu Thạnh Hội 2 và cầu Tân An. Cả 4 cây cầu này dự kiến được khởi công trong năm 2026.
Hà Nội sẽ khởi công loạt dự án giao thông trị giá hơn 145.000 tỷ đồng trong năm 2025
Theo kế hoạch mới nhất từ UBND TP.Hà Nội, dự án cầu Tứ Liên sẽ được khởi công vào ngày 19/5 tới. Đây là cây cầu lớn kết nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, có tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025–2027. Ngay sau đó, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi cũng lần lượt được động thổ vào dịp 19/8 và 2/9.
Cầu Trần Hưng Đạo có vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cầu Ngọc Hồi với tổng mức đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng sẽ kết nối vành đai 3,5 của Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông khu Nam và mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Đông.
Không chỉ phát triển giao thông đường bộ, Hà Nội đang bước vào giai đoạn bứt phá với giao thông đường sắt đô thị. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2025, thành phố đặt mục tiêu khởi công tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).
Tuyến metro số 2 dài 11,5km, trong đó có 8,9km đi ngầm, đi qua các trục đường huyết mạch và khu phố cổ, với tổng vốn đầu tư gần 35.600 tỷ đồng. Tuyến số 5 dài hơn 38km, có tổng vốn đầu tư khoảng 61.900 tỷ đồng, nối khu vực nội đô với đô thị vệ tinh Hòa Lạc, hướng tới giảm tải tuyến Đại lộ Thăng Long.
Bên cạnh đó, tuyến metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm sau khi đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km đã được đưa vào khai thác từ tháng 8/2024. Tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động ổn định từ cuối 2021.
Cao tốc 17.000 tỷ nối khu du lịch Hồ Tràm với sân bay Long Thành ấn định ngày khởi công
Tại buổi làm việc chiều 3/5 với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ở Côn Đảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ quan trọng: khởi công tuyến cao tốc kết nối khu du lịch Hồ Tràm với sân bay quốc tế Long Thành vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
Thủ tướng khẳng định việc triển khai nhanh chóng tuyến cao tốc này sẽ tạo bước đột phá lớn về hạ tầng, giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Được biết, tuyến cao tốc Hồ Tràm - sân bay Long Thành có chiều dài 41km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng, điểm đầu kết nối với Vành đai 4 TP.HCM tại huyện Châu Đức và điểm cuối nối với đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận tại huyện Xuyên Mộc.
Quy mô thiết kế là 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc 100km/h và sẽ nâng cấp lên 6 làn xe trong tương lai. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 4.500 tỷ đồng.
-
Nóng trong tuần: Đầu tư 3 cây cầu 4.700 tỷ kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang
Bình Dương sắp có tuyến đường sắt 52km, kết nối 5 thành phố và 1 huyện; Hà Nội đề xuất 157 khu đất làm nhà ở thương mại theo nghị quyết thí điểm mới; Long An phê duyệt đầu tư 3 cây cầu 4.700 tỷ kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang; Sắp khởi công trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An... là những thông tin nóng trong tuần qua.
-
Nóng trong tuần: Phương án xây thêm 3 cây cầu vượt sông kết nối Đồng Nai - TP.HCM
Thông tin mới nhất về xây cầu Cát Lái và 2 cây cầu 19.000 tỷ kết nối TP.HCM với Đồng Nai; Chính phủ yêu cầu thu hồi triệt để các dự án treo, tránh lãng phí nguồn lực; Đồng Nai sắp có khu nhà xã hội gần sân bay Long Thành; Hà Nội rà soát, xử lý nhà đất công sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả... là những thông tin nóng trong tuần qua.
-
Nóng trong tuần: Bình Dương đề xuất đầu tư 56.000 tỷ đồng làm tuyến metro kết nối với ga Suối Tiên
Danh sách 102 phường mới tại TP.HCM; Tuyến đường 4.800 tỷ đồng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ấn định ngày thông xe; Tin vui cho người dân quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh; Giao thông Bình Dương sẽ thay đổi thế nào với tuyến metro 56.000 tỷ... là những thông tin nóng trong tuần qua.







