CafeLand - Độc chiêu lừa bán đất nền ở TP.HCM: Một lô đất chuyển nhượng cho hai người; Đất Hà Nội đắt đỏ, biệt thự xây xong bỏ hoang, nhếch nhác; Đất sân bay Phan Thiết: Cò đất ôm tiền tỉ, người dân ngậm ngùi; Đà Nẵng phát cảnh báo về tình trạng sổ đỏ giả... là những thông tin nhà đất nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Độc chiêu lừa bán đất nền ở TP.HCM: Một lô đất chuyển nhượng cho hai người

Khách hàng thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng để nhận chuyển nhượng lô đất tại một dự án khu dân cư ở quận Thủ Đức, TP.HCM thế nhưng lại không được công ty ký hợp đồng giao đất, đòi lại tiền cũng chẳng xong.

Thời gian gần đây, khi nguồn cung dự án bất động sản ở TP.HCM khan hiếm thì tình trạng giao dịch đất nền ở vùng ven trở nên rầm rộ. Lợi dụng tâm lý mua nhà đất giá rẻ của nhiều người dân, các sàn giao dịch bất động sản mọc lên, cùng với đó là những chiêu thức lừa đảo nhằm đưa khách hàng vào tròng. Hợp đồng chuyển nhượng ghi rõ, sau 15 ngày kể từ khi ông Thuấn thanh toán đủ 95% giá trị lô đất thì Công ty Dohuland sẽ tiến hành công chứng sang tên cho ông. Đến hẹn, Công ty Dohuland đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc công chứng sang tên cho ông Thuấn, nền đất cũng không giao.

Đất sân bay Phan Thiết: Cò đất ôm tiền tỉ, người dân ngậm ngùi

Những tháng đầu năm 2019, những thông tin về việc khởi công dự án sân bay Phan Thiết đã khiến đất đai quanh khu vực dự án lên cơn sốt. Trong khi giới đầu cơ, cò đất hân hoan vì hốt tiền tỉ nhờ cơn sốt đất thì nhiều người dân địa phương lại đang ngậm ngùi.

Xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) là địa phương được quy hoạch một phần để xây dựng dự án sân bay Phan Thiết. Tuy nhiên, hỏi vị trí sân bay nằm ở đâu thì phần lớn những người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều lắc đầu không biết. Một số người khá hơn thì cũng chỉ nói “nó nằm đâu đó cách đây khoảng 2 – 3 cây số”.

Đà Nẵng phát cảnh báo về tình trạng sổ đỏ giả

Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng vừa ra văn bản gửi các sở, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan đăng ký đất đai nhằm cảnh báo tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Theo cơ quan này, thời gian qua việc đăng ký đất đai, công chứng các giao dịch đất đai, nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, doanh nghiệp làm cho tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận.

Đất Hà Nội đắt đỏ, biệt thự xây xong bỏ hoang, nhếch nhác như “ổ chuột”

Hàng trăm ngôi biệt thự, liền kề ở khu đô thị Tân Tây Đô đã xuống cấp, nhếch nhách, cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, giá bán vẫn được rao lên đến gần chục tỷ đồng/căn...

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 7km, ở khu đô thị Tân Tây Đô nằm trên địa bàn xã Tân Lập – Huyện Đan Phượng, tiếp giáp với đường 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, người ta cũng bắt gặp cả trăm những biệt thự bỏ hoang, nhếch nhác như vậy. Đất xây nhà ở liền kề thấp tầng ở dự án này là 17.700.9m2, nhà ở biệt thự 47.687,2m2. Đất nhà ở biệt thự diện tích trung bình 200 – 250m2/một căn nhà, được xây dựng khu vực phía Đông khu đô thị và giáp với các tòa nhà cao tầng.

Bầy hầy đất công vùng ven TP.HCM

Hàng loạt doanh nghiệp, đơn vị nhà nước được TP HCM giao đất công ở các quận, huyện vùng ven, ngang nhiên sử dụng sai mục đích hoặc chỉ để xí phần đã và đang gây lãng phí lớn

Vào bên trong khu đất làm nhà xưởng trên, chúng tôi ghi nhận có cả chục cơ sở đang hoạt động, với ngành nghề chủ yếu gia công sắt thép, gỗ… Diện tích mỗi nhà xưởng từ 400 m2 đến 1.000 m2, dựng bằng sắt khá kiên cố, tồn tại hơn 5 năm nay. Sát bên hệ thống nhà xưởng là bãi đậu xe tải của 4 doanh nghiệp và một bãi đất dùng để trưng bày đá bonsai. Bên trong bãi đỗ xe có hàng chục xe tải.

Bất động sản Kê Gà: Sáu năm được giải thoát… vẫn buồn

Năm 2013 lúc dự án cảng Kê Gà bị xóa bỏ, nhiều người kỳ vọng bất động sản vùng biển xinh đẹp này sẽ được hồi sinh. Thế nhưng đến thời điểm này, hàng loạt dự án resorts và khu du lịch - điểm nhấn chính của Kê Gà – nhìn vẫn hoang vu, tồi tàn.

Vào những năm 2000, một làn sóng nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ về vùng biển này để xây dựng các khu du lịch, resort với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, lúc những dự án này bắt đầu hoạt động, lượng du khách đổ về Kê Gà ngày mỗi đông thì dự án mang tên cảng Kê Gà xuất hiện.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.