Huyện Long Thành quản lý chặt về xây dựng để không bị phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Uyển Nhi
Thực tế xảy ra trong nhiều năm qua tại Đồng Nai là tình trạng tách thửa đất tràn lan thường gây ra hậu quả là phân lô, bán nền trái phép và dẫn đến nhiều trường hợp xây dựng trái phép. Các trường hợp xây dựng trái phép không được xã, phường kịp thời phát hiện, xử lý sẽ hình thành các điểm dân cư, nhà máy không phù hợp với quy hoạch về xây dựng.
Tránh gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 đô thị gồm 2 thành phố, 8 thị trấn và 1 khu đô thị Long Giao (H.Cẩm Mỹ) đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để đề xuất Quốc hội công nhận là thị trấn. Mục tiêu xây dựng đô thị của tỉnh từng bước nâng tầm để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong khu vực. Đồng thời, đảm bảo mỹ quan cho từng đô thị hướng đến một đô thị xanh, văn minh, hiện đại và hình thành những khu đô thị thông minh. Muốn thực hiện tốt những mục tiêu trên thì các địa phương phải thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, xây dựng.
Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho biết: “Gần đây, nhu cầu xây dựng nhà ở tại TP.Long Khánh tăng cao, thành phố phải yêu cầu các phường, xã quản lý nghiêm về xây dựng. Người dân, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất phải phù hợp với các quy hoạch mới được cấp phép thực hiện”. Cũng theo ông Quang, thành phố cần quản lý chặt chẽ về xây dựng để phát triển đô thị theo đúng hướng và mục tiêu đã đề ra, tránh phá vỡ quy hoạch kiến trúc của thành phố.
Dự kiến trong tương lai, Đồng Nai sẽ có 5 thành phố trực thuộc tỉnh gồm TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh (hiện hữu) cùng các địa phương định hướng lên thành phố là các huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom. Vì thế, việc quy hoạch, đầu tư vốn xây dựng các công trình, dự án phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để đảm bảo mỹ quan của các đô thị.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh đánh giá: “Qua giám sát các địa phương trong tỉnh về phát triển đô thị thì thấy các địa phương có sự đầu tư và quản lý các đô thị khá tốt. Nhiều đô thị trong tỉnh đã từng bước nâng cao các tiêu chí của đô thị, việc quản lý xây dựng các công trình, nhà ở tại đô thị cũng được các huyện, thành phố quan tâm để không phá vỡ quy hoạch”.
Các vùng nông thôn trong tỉnh hiện công tác tách thửa đất, cấp phép xây dựng cho các công trình, nhà ở cũng được chú ý, những công trình xây dựng trái phép sẽ bị xử lý và buộc tháo dỡ để trả lại nguyên trạng.
Giao trách nhiệm về tận cấp xã
Hiện nay, hầu hết các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đều giao công tác quản lý về đất đai, xây dựng trực tiếp cho UBND xã, phường, thị trấn. Nếu các phường, xã, thị trấn để phát sinh tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép thì chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, UBND TP.Biên Hòa đã xử lý nhiều cán bộ phường vì để xảy ra tình trạng tách thửa, phân lô bán nền, xây dựng trái phép.
Những địa bàn dễ xảy ra tình trạng xây dựng trái phép là những khu vực đông dân cư, khu vực gần các khu công nghiệp thuộc TP.Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Đồng thời, đây là khu vực dễ xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Võ Tấn Đức chia sẻ: “Huyện quản lý rất chặt chẽ việc tách thửa trên địa bàn và giao cho lãnh đạo UBND cấp xã, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra phân lô, bán nền và xây dựng trái phép. Do đó, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền và xây dựng trái phép trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều. Các xã, thị trấn kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý”.
Tương tự, ở H.Vĩnh Cửu, những khu vực gần các khu công nghiệp ở các xã Thạnh Phú, Tân Bình, Thiện Tân, Bình Hòa, Vĩnh Tân, việc cấp phép tách thửa và xây dựng cũng được rà soát kỹ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xây dựng không phép.
H.Trảng Bom là nơi có 4 khu công nghiệp nên người lao động về đây làm việc khá đông, nhu cầu mua đất, làm nhà rất lớn. Các dự án khu dân cư có giá từ 1-1,5 tỷ đồng/nền, rất ít người lao động đủ khả năng mua, do đó không ít người liều mua đất nông nghiệp phân lô giá rẻ và lén lút xây dựng nhà trái phép. Do đó, việc quản lý đất đai, xây dựng khá vất vả.
“Từ vài năm trước, H.Trảng Bom đã ban hành quy định là chủ tịch UBND các xã, thị trấn để xảy ra phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên địa bàn sẽ bị xử lý kỷ luật. Quy định này buộc các xã, thị trấn phải quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng nhằm đảm bảo quy hoạch các khu vực nông thôn, đô thị. Mục tiêu trong vài năm tới, H.Trảng Bom sẽ lên thị xã và tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố” - Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng nói.
-
Nhà máy điện 1,4 tỷ USD tại Đồng Nai “ấn định” thời gian vận hành thương mại, sẽ bổ sung 9 tỷ kWh điện mỗi năm
Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện mỗi năm.
-
Dự án nhà máy điện rác 2.300 tỷ tại huyện Vĩnh Cửu nhận chỉ đạo mới từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 dự án có công suất xử lý 800 tấn/ngày, phát điện 20MW. Giai đoạn 2 nâng công suất ...
-
Tiến độ lập quy hoạch các đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành hiện đang đến đâu?
UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Trong đó có thông tin về tiến độ lập quy hoạch các đô thị trên địa bàn tỉnh....