Một số dự án căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng |
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng những động thái của Nhà nước đang đi đúng hướng và cần có thời gian để phát huy tác dụng.
Có người vay, nhưng chưa nhiều
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Việt Nam (Vinaland), nhận định việc cho vay đã nới ra nhiều so với trước đây, tuy nhiên thị trường phản ứng khá chậm với thông tin trên, một phần do khó khăn kéo dài nên cũng cần có thời gian để hồi phục.
Theo ông Hoàng, tâm lý lo sợ vẫn còn ám ảnh thị trường và giao dịch vẫn cầm chừng khi người mua vẫn đang dè dặt trong quyết định mua nhà, bởi họ lo ngại liệu góp tiền vào dự án chủ đầu tư có đủ năng lực để hoàn thiện dự án theo tiến độ hay không. “Giá căn hộ giảm vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là phải lấy lại được niềm tin cho người mua trên thị trường”, ông Hoàng nhận định.
Thực tế cho thấy tín dụng bất động sản đã được nới lỏng từ ngày 11-4, đến thời điểm này hoạt động cho vay trực tiếp đối với các dự án thì rất ít ngân hàng áp dụng, cho vay mua nhà đã được nhiều ngân hàng triển khai với lãi suất ưu đãi. Số lượng vay mua nhà cũng có tăng lên, nhưng chưa nhiều.
Lượng hồ sơ vay mua nhà nhiều nhất có lẽ là tại Ngân hàng HSBC Việt Nam. Theo ngân hàng này, chương trình “Ưu đãi lớn” với lãi suất 15,5%/năm cho khoản vay dài hạn, cùng với lãi suất 0% trong tháng vay đầu tiên đã giúp ngân hàng kích thích được nhu cầu vay mua nhà.
HSBC cho rằng khi giá bất động sản giảm, cùng với lãi suất xuống chính là lúc người dân quan tâm hơn đến việc sở hữu nhà để ở.
Nhân viên tín dụng tại một chi nhánh của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết từ khi có chính sách giảm lãi suất, tín dụng cho lĩnh vực này có tăng lên, nhưng vẫn chưa nhiều. Hiện ACB đang dành 1.000 tỉ đồng cho vay mua nhà, với hạn mức vay trên 70% giá trị tài sản đảm bảo. Lãi suất cho cá nhân vay mua nhà tại ACB là từ 18% - 19%/năm.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết gói cho vay này nhằm đón đầu việc lãi suất giảm và giá nhà đất đi xuống. Khi cả hai yếu tố này chín muồi thì nhu cầu vay mua nhà có thể sẽ tăng lên.
Tuy vậy, ông Hải cũng khẳng định so với nhu cầu thực tế thì lãi suất cho vay mua nhà vẫn còn cao, nhưng lãi suất cũng đang dần trở về mức mà người mua có thể nghĩ đến chuyện vay tiền, khác với thời gian trước, lãi vay cao đến nỗi ít ai có ý định này.
Còn tại Ngân hàng VIB, giám đốc khối khách hàng cá nhân của một chi nhánh cho rằng hiện tại với nhu cầu vay mua nhà để ở thì đã rục rịch có người vay, vì đây là nhu cầu thiết yếu. Trong khi đó, đối với khách hàng vay kinh doanh thì rất ít, vì chưa có tín hiệu cho thấy thị trường này hết đóng băng.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho rằng việc cho người mua nhà vay với lãi suất ưu đãi là một động thái tích cực từ phía các ngân hàng, nhưng trong bối cảnh hiện nay người dân sẽ có tâm lý chờ đợi. Một là chờ cho lãi suất hạ, hai là chờ cho giá bất động sản giảm xuống và ba là chờ thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên.
Lấy lại niềm tin
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng khủng hoảng trên thị trường bất động sản hiện nay là khủng hoảng về đầu ra, khủng hoảng về lòng tin. Doanh nghiệp đang chịu súc ép hàng tồn kho tăng vì không thể bán được hàng trong tình hình hiện nay.
Theo ông Châu, người dân đang kỳ vọng là giá sẽ còn xuống nữa, trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc đang bán hòa vốn hoặc bán lỗ. Vấn đề hiện nay là xây dựng lòng tin, phải cung ứng cho người mua những sản phẩm phù hợp.
Gần đây Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố gói liên kết hỗ trợ gồm nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và nhà băng (ngân hàng). Gói "bốn nhà" này có thể giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để hoàn thành dự án và đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này cũng giúp tạo tính thanh khoản cho các ngành nghề liên quan như sắt thép, xi măng và vật liệu xây dựng khác, vốn cũng chịu nhiều tác động trong tình hinh bất động sản hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Châu động thái trên mới chỉ giúp các doanh nghiệp, nghĩa là hỗ trợ nguồn cung. Trong khi đó giải quyết đầu ra của thị trường là điều quan trọng không kém.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là sức mua quá thấp, đầu ra quá yếu. Do vậy, giải quyết đầu ra sẽ tạo tính thanh khoản của toàn thị trường”, ông Châu nhận định.
Ông Châu đề xuất để giải quyết đầu ra cũng nên có gói "bốn nhà", gồm nhà đầu tư, nhà môi giới, nhà tiêu dùng và cuối cùng là nhà băng. Nhà tiêu dùng hiểu theo nghĩa rộng, có thể là người mua để ở, mua để cho thuê kinh doanh hay để bán. Điều này nếu thực hiện sẽ giúp giải quyết tính thanh khoản chung của thị trường.