24/01/2015 7:21 PM
Không được mua nhà sở hữu Nhà nước, hơn 400 hộ dân đang sinh sống tại nhà chung cư Hòa Phong, khu 15, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ) có nguy cơ bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào. Đi không được, ở không xong, thấp thỏm, lo lắng vì nhà ở quá xuống cấp, đã nhiều lần các hộ dân làm đơn kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ mong sớm có hướng giải quyết để người dân ổn định cuộc sống.

Sống trong thấp thỏm

Khu nhà chung cư Hòa Phong, tổ 15, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ) có 6 khối nhà 5 tầng được xây dựng từ năm 1971 để làm nơi ở cho cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Vĩnh Phú (cũ). Hiện nay, hơn 400 hộ dân sống tại đây chủ yếu là cán bộ, công nhân nhà máy dệt đã nghỉ chế độ thuộc diện được phân nhà, đời sống hết sức khó khăn. Gần 40 năm nay, các hộ dân vẫn phải trả tiền thuê nhà để được "ở trọ" trong chính ngôi nhà của mình đã gắn bó gần cả cuộc đời.

Căn hộ của gia đình ông Nguyễn Đức Thái bị lở trần nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi lên căn hộ của mình trên tầng 2, ông Nguyễn Đức Thái chỉ lên những bức tường bong tróc vôi vữa giãi bày: Cách đây không lâu, cả mảng trần xi măng cốt thép nặng đến nửa tấn ngoài hành lang bỗng nhiên sập xuống. Do trần nhà nứt nẻ và bong tróc nhiều chỗ không còn gắn kết giữa xi măng và sắt. Rất may, mảng xi măng không trúng người, nếu không hậu quả thật khó lường.

Theo ông Thái, 6 khối nhà tập thể này được Nhà nước xây dựng từ năm 1971 để cấp cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Vĩnh Phú (cũ) làm nơi ở. Kinh phí xây dựng được lấy từ quỹ phúc lợi và tiền đóng góp của cán bộ, công nhân viên nhà máy. Mỗi căn hộ rộng trung bình từ 16m2 đến 24m2. Đến năm 1993, UBND tỉnh đã thu hồi lại giấy phân phối nhà do nhà máy cấp trước đó, đồng thời giao cho một số doanh nghiệp quản lý, hiện nay là công ty TNHH MTV Quản lý phát triển Quỹ nhà ở và Kinh doanh bất động sản Phú Thọ quản lý và phải nộp tiền thuê nhà hằng tháng. Bà Hà Thị San, đang sống trong căn hộ 24m2 được Nhà nước cấp gần 40 năm trước, bức xúc: “Điều kiện sống của chúng tôi gần 40 năm qua quá cơ cực. Không có “bìa đỏ”, chúng tôi không đủ điều kiện thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất hay nuôi con cái ăn học. Xin mua để cơi nới, sửa chữa cũng không được. Hằng tháng phải nộp tiền thuê nhà cho Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển Quỹ nhà ở và Kinh doanh bất động sản Phú Thọ. Chỉ cần chậm tiền nhà là bị cắt điện, cắt nước. Nhà ở của chúng tôi đang trong tình cảnh mua cũng chẳng được mà bán cũng không xong”.

Bà Nguyễn Thị Ý cũng buồn bã trao đổi: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên thành phố, tỉnh và Trung ương nhưng không có kết quả gì cả. Nguyện vọng của bà con là được mua lại căn hộ đang ở theo Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng ấy của chúng tôi suốt bao năm qua chỉ rơi vào im lặng. Các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hứa hết lần này đến lần khác sẽ giải quyết nhưng cuối cùng lại trở về vạch xuất phát.

Theo người dân, tỉnh đã quy định, hằng năm, Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển Quỹ nhà ở và Kinh doanh bất động sản Phú Thọ phải dành 40% số tiền thu được để phục vụ việc duy tu, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, công ty không thực hiện duy tu, sửa chữa gì cho các khối nhà đã xuống cấp nghiêm trọng này. Theo tính toán mỗi tháng, công ty này thu hàng trăm triệu đồng của các hộ dân sống ở khu chung cư. Bên cạnh đó, công ty này còn có khoản “thu thêm” mỗi năm vài trăm triệu đồng từ việc cho thuê sân, vườn, hành lang, vỉa hè để người dân họp chợ, trông giữ xe... nhưng không triển khai sửa chữa hạ tầng.

Chậm triển khai dự án nhà ở cho người dân

Theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng kiểm tra tại Văn bản số 627/GĐ-GDD3 ngày 17-11-2011, khối nhà chung cư 5 tầng Hòa Phong không đủ điều kiện để bán cho các hộ dân theo quy định tại Nghị định 61/CP của Chính phủ, vì lý do công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm đủ điều kiện an toàn cho các hộ gia đình. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 86, Luật Xây dựng thì các khối nhà chung cư Hòa Phong phải được dỡ bỏ.

Còn ông Nguyễn Đình Cúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để ổn định chỗ ở và cuộc sống cho các hộ đang thuê nhà tại chung cư Hòa Phong, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển Quỹ nhà ở và Kinh doanh bất động sản Phú Thọ sớm triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp để bán và cho thuê nhằm tái định cư cho các hộ dân đang thuê, đồng thời sẽ xem xét đến tiêu chuẩn được mua nhà xã hội và hỗ trợ giá mua nhà trên cơ sở hợp đồng thuê nhà các hộ ký.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã gần 5 năm nay, công ty vẫn chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Công trình khối nhà chung cư 5 tầng Hòa Phong đang xuống cấp trầm trọng cần phải dỡ bỏ ngay, cuộc sống của các hộ gia đình ở đây đang hằng ngày sống trong lo lắng, bất an, không biết khi nào công trình sẽ xảy ra sự cố, đi không được mà ở cũng chẳng xong.

Theo các hộ dân sống tại khu chung cư Hòa Phong, nếu phá dỡ toàn bộ 6 dãy nhà 5 tầng cũng là sự lãng phí cực lớn, ước tính thiệt hại lên đến cả trăm tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng loạt các hệ lụy phát sinh thêm cần phải giải quyết khi mà phần lớn các hộ dân sống tại khu chung cư này đều là những hộ nghèo, không có khả năng mua nhà của dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và các khoản chi phí thuê nhà khác. Bên cạnh đó, để triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn rất lớn lên đến cả nghìn tỷ đồng. Với nguồn thu chính vẫn chỉ trông chờ vào khoản thu tiền thuê nhà của người dân, thì đến bao giờ dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp mới được triển khai?

Theo ý kiến của người dân sống tại đây, UBND tỉnh Phú Thọ cần cân nhắc giữa lợi ích của một cộng đồng với lợi ích cục bộ của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp này lấy việc kinh doanh tài sản thuộc sở hữu Nhà nước làm nguồn thu mà không đầu tư gì nhiều, là một bất hợp lý, tỉnh Phú Thọ cần sớm xem xét điều chỉnh.

Chủ đề: Chung cư cũ
Nguyễn Hồng Sáng (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...

  • Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....

  • Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.