Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ đã có những dấu hiệu thành công nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng đó chỉ là kết quả tạm thời và hoài nghi về hiệu quả dài hạn.

alt

Trước sự điều chỉnh tăng giá điện, xăng, dầu,... hàng loạt các mặt hàng khác cũng rục rịch tăng theo gây phản ứng dây chuyền. Ảnh: Nguồn internet

Hiệu ứng Domino

Điều chỉnh giá thị trường là một lộ trình của các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt để chống lạm phát, hướng tới ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, lộ trình này không được thực hiện một cách liên tục mà trì hoãn, kéo dài đã gây nên sự bất ổn cho nền kinh tế và lạm phát tăng cao.

Trong khi giá cả thế giới lên mạnh, lạm phát trong nước tăng cao thì việc trì hoãn tăng giá đã tạo ra sự dồn nén cho giá cả nhiều mặt hàng và gây ra những bất hợp lý trong nền kinh tế. Một khi sức chịu đựng của ngân sách và nền kinh tế đã vượt quá giới hạn thì việc tăng giá là điều tất yếu.

Cụ thể vào đầu tháng 3/2011, giá bán điện bình quân 1.242/kWh đã chính thức áp dụng, kéo theo đó là một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như gas, xăng dầu… tăng giá đang khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại tiềm ẩn bùng phát một cơn bão giá. Mới đây nhất, than cũng âm thầm tăng giá từ 20-40%... Đó là chưa kể trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá mới mức 9,3%.

Trước hành động điều chỉnh tăng giá, các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng việc tăng tỷ giá hồi trung tuần tháng 2 cộng với giá điện, giá xăng dầu cũng rục rịch nâng lên đã và đang gây ra các phản ứng dây chuyền khiến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khốn đốn.

Mặc dù việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá phải tính đến đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bởi điện là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Kinh nghiệm năm 2010 vẫn còn đó, sau khi giá điện được chính thức nâng giá, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu như thép, xi măng, xăng dầu… và các sản phẩm phục vụ dân sinh như gạo, thực phẩm tươi sống, rau củ quả… đều nhất loạt tăng giá.

Không chỉ riêng giá điện mà giá xăng tăng, lập tức giá vận tải ăn theo. Chi phí vận tải tăng khiến đầu vào của hàng loạt mặt hàng buộc phải tính toán lại để điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều ngành sản xuất như nông nghiệp, thủy sản cũng bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu... thế là xăng dầu trở thành lý do để tất cả cùng tăng giá. Cũng như thế, sau khi than tăng giá, lập tức hóa chất, giấy và xi măng đã điều chỉnh...

Cứ như thế, vòng xoáy tăng giá tiếp tục với những mặt hàng và dịch vụ khác lần lượt điều chỉnh khiến nền kinh tế có một mặt bằng giá mới. Đó chưa kể là những hiệu ứng tâm lý và các hoạt động ăn theo, lợi dụng để đẩy giá cả lên cao.

Với một cơ chế giá còn nhiều bất hợp lý đã khiến mọi điều hành kinh tế trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả. Tăng giá theo thị trường, hay nói cách khác, là chấp nhận buông giá có thể đã tạo ra một cú sốc cho toàn bộ nền kinh tế. Nó như một phản ứng ngược chiều trong điều kiện mục tiêu chống lạm phát được đặt lên hàng đầu.

alt

Tăng tỷ giá, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện,... càng làm bùng phát các xung lực tiêu cực làm tăng hệ quả lạm phát. Ảnh: Nguồn internet

Nỗi lo lạm phát quý 2

Lý giải tình trạng chỉ số CPI tăng cao trong bốn tháng đầu năm là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, tình trạng tăng giá hàng hoá và dịch vụ chung trên cả nước trong những tháng đầu năm xuất phát từ một nguyên nhân truyền thống, trực tiếp và dễ nhận thấy. Đó là sự gia tăng đột ngột về nhu cầu và sức tiêu thụ các hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, sự lợi dụng đẩy giá lên cao do khả năng thanh toán và tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng, mua sắm gắn với dịp Tết cổ truyền dân tộc, cụ thể tập trung ở các đô thị động dân cư, các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.

Thứ hai, là do sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn các cú sốc như tăng tỷ giá, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện càng làm bùng phát các xung lực tiêu cực làm tăng hệ quả lạm phát. CPI tăng đã làm giảm mức sống thực tế của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, những đối tượng chính sách xã hội, đồng thời làm tổn thương đến nền kinh tế.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng lên 3,32% đã đẩy lạm phát bốn tháng đầu năm lên 9,64% (so với tháng 12/2010) và lạm phát cả năm lên 17,51% (so với tháng 4/2010). Trong đó, chỉ số CPI tháng 3/2011 tiếp tục tăng cao với tốc độ khác nhau giữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ... Mức tăng cao nhất thuộc về các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, xu hướng tăng giá đang lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực và nhóm hàng, trừ hàng điện tử, như máy tính, điện thoại và một số hàng công nghệ thông tin khác.

Xu hướng tăng CPI chắc chắn còn tiếp diễn trong suốt quý 2/2011, với sự gia tốc rõ rệt có lẽ được ghi nhận tiếp vào tháng 5/2011 (đúng vào dịp tăng lương tối thiểu) rồi mới chịu tạm lắng dịu xuống để chờ dịp tăng trở lại cuối năm như thông lệ. Với đà tăng đó, việc duy trì được được tốc độ tăng CPI năm 2011 dưới mức 1 con số là điều không dễ dàng.

Dù không loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát vượt quá 2 con số, song cần nhấn mạnh rằng sốt giá đột ngột và khan hiếm hàng hóa sẽ khó có cơ hội xảy ra trong giả định không có những đột biến về thiên tai và chính sách quản lý vĩ mô, cũng như những khủng hoảng mạnh trên thị trường tài chính-tiền tệ trong nước và quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1 năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 5,83% của cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng 5,5%. Thị trường vàng và thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại giá vàng trong nước hiện ở mức dưới 37 triệu đồng/lượng, chênh lệch tỷ giá VND/USD giữa giá chính thức và thị trường tự do đã giảm.

Lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2011 điều đã được nhìn nhận và dự đoán. Đó là tác động từ chính những điều chỉnh giá cả các mặt hàng quan trọng, nhưng cũng là hậu quả từ một quá trình phát triển kinh tế nóng trước đó để lại. Vì thế, dù rất muốn nhưng việc chặn lạm phát không thể sớm có kết quả chỉ sau 1-2 tháng thực thi.

Toa thuốc đúng liều, đủ lượng

Trước việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% so với mức thực tế tăng tới gần 30% của năm 2010, hạn chế cho vay đầu tư phi sản xuất và tiêu dùng, nhất là cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản, hạn chế đầu tư công và thâm hụt ngân sách, cũng như hạn chế mua sắm trang, thiết bị và chi tiêu công khác. Đồng thời gia tăng kiểm soát, giảm thiểu tình trạng buôn bán vàng miếng và ngoại tệ không có giấy phép,… chắc chắn đang và sẽ góp phần giảm dần tổng cầu ảo xã hội, nhất là giảm dần sức ép liên quan đến lạm phát tiền tệ trong thời gian tới như một điểm mới đáng chú ý của tính chất lạm phát ở nước ta trong năm 2011.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình lạm phát tại Việt Nam khó có thể giảm xuống trong ngắn hạn bởi các chính sách kiềm chế lạm phát phải có "độ trễ" khá dài mới phát huy tác dụng. Trước mắt, sức ép lạm phát chi phí trong những tháng cuối quý 1 sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng cụ thể là việc tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tiêu dùng,… cộng với tác động từ cú sốc tăng tỷ giá và các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Ngoài sự gia tăng chi phí vốn còn có cuộc đua lãi suất huy động và cho vay, việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách vào tháng 5/2011,…

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết 11 đúng là tất yếu phải lựa chọn. Trong đó, chống lạm phát theo Nghị quyết 11 chỉ mới là bước khởi đầu cho một quá trình dài hạn, đó là quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Và bước khởi đầu thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách là nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên, chống lạm phát là một quá trình chứ không thể 6 tháng, hay một năm như bài học của năm 2010. Hơn thế, ổn đinh vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế càng đòi hỏi cả một chiến lược dài hạn mà không thể nóng vội. Mục tiêu đã rõ, phương pháp đã có, vấn đề còn lại là liệu lượng, lộ trình thực hiện để thực hiện.

Điều quan trọng nhất để đạt được điều này là chính sách phải nhất quán và kiên định. Tuy nhiên sẽ khó có thể kiểm soát được nếu không tin vào chính sách điều hành. Vì vậy, để có được niềm tin đó thì chính cơ quan điều hành phải tạo ra niềm tin bằng chính hành động của mình. Trước hết, đó chính là niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của cơ quan chính sách, các kỳ vọng lạm phát đã được hình thành ngay từ giai đoạn đầu của một kỳ kinh tế.

CafeLand cho rằng, với tình hình lạm phát hiện nay chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ là cần thiết để chống lạm phát. Nhưng có thể sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng chậm lại để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là việc làm cần ưu tiên hiện nay và để kinh tế phát triển bền vững hơn, hiệu quả cao hơn. Đây có thể xem là lát cắt để dứt điểm với những tồn tại cơ chế giá cũ nhưng mở đầu cho một cơ chế thị trường hơn. tag: lam phat thang 4, lam phat quy 2, cpi quy 2

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland