21/05/2023 11:39 AM
Cùng với nỗi lo dư cung, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sản xuất vào Việt Nam của một số doanh nghiệp Trung Quốc để “rửa” nguồn gốc xuất xứ có thể khiến thị trường, thương hiệu của ngành nhôm Việt Nam bị đe dọa.

Nguy cơ mất thị phần nội địa

Thông tin tại Diễn đàn Doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang đối mặt nhiều rủi ro, thách thức trước nhu cầu thị trường suy giảm mạnh, tình trạng dư thừa công suất, quyết định áp thuế chống bán phá giá sắp hết hiệu lực.

Các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang phải “gồng mình” với hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam

Theo VAA, ngành nhôm Việt Nam hiện có khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình; năng lực sản xuất nhôm khoảng 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường.

Tại thời điểm quý 1/2023, các nhà máy sản xuất nhôm chỉ hoạt động cầm chừng ở mức 30-40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.

Cùng với nỗi lo dư cung lớn, các doanh nghiệp nhôm còn phải cạnh tranh với các nhà máy của Trung Quốc tại Việt Nam nhằm “tráng men xuất xứ”.

Chủ tịch VAA cho biết, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Đơn cử, Công ty Xingfa Quảng Đông mới đây đã làm việc với UBND tỉnh Hải Dương, qua đó bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy gia công, lắp dựng nhôm, kính tại Khu công nghiệp Cao Thắng, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Theo dự kiến, dự án này sử dụng 17 ha đất, công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư 3.200 tỉ đồng.

Có thể thấy, việc chuyển cứ điểm sản xuất sang Việt Nam có thể giúp nhôm Trung Quốc rửa nguồn, lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Việt Nam, tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, đồng thời tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…

“Các doanh nghiệp lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018 - 2019, trước khi áp thuế chống bán phá giá”, Chủ tịch VAA cảnh báo.

Trước đó, giai đoạn 2016-2018, ngành nhôm Trung Quốc xảy ra tình trạng dư cung, nguồn nhôm giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam khiến doanh nghiệp nội địa điêu đứng, từng phải dừng hoạt động. Ngay sau đó, năm 2019 Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế tạm thời từ 2,49-35,58%, hiệu lực trong vòng 5 năm. VAA cho rằng quyết định này chính là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp sản xuất nhôm thời điểm đó.

Nỗi lo nhôm giá rẻ Trung Quốc "gây nhiễu" thị trường

Hiện tại, cơn bão nhập khẩu giá rẻ hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam không chỉ dừng lại với thép, mà còn nhiều mặt hàng công nghiệp khác, như than đá và nhôm. Theo đó, việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc với giá rẻ đã ảnh hưởng đến sản xuất nhôm trong nước và gây ra sự cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam.

Nhôm Xingfa Quảng Đông

Trước nguy cơ doanh nghiệp Việt đánh mất thị trường ngay trên sân nhà, VAA đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, gia hạn Quyết định áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc thêm 5 năm.

Liên quan tới kiến nghị xem xét gia hạn thuế chống bán phá giá của VAA, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm định hình của Trung Quốc sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024. Và thời gian nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đối với sự việc này là tháng 9/2023.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ để có thể đề nghị xem xét áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm.

Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp ngành nhôm của Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, mà để lỡ mất phân khúc ở giữa là luyện nhôm do giá thành sản xuất quá cao. Thời gian tới, ngành nhôm cần đẩy mạnh liên kết và xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu ra bền vững cho ngành.

  • Cửa nhôm Xingfa và ứng dụng thực tế

    Cửa nhôm Xingfa và ứng dụng thực tế

    Cửa nhôm Xingfa có nhiều ưu điểm nổi bật đa dạng về mẫu mã, độ bền vượt thời gian, mang lại một không gian sang trọng, hiện đại. Sản phẩm này thường được sử dụng cho các tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp, các khu biệt thự,…

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.