29/04/2013 8:04 AM
Ðề án quy hoạch Ðại học Ðà Nẵng sẽ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống hoàn chỉnh các trường, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp phát triển kinh tế của khu vực miền trung và Tây Nguyên. Nhưng sau gần 16 năm triển khai, người dân sống trong vùng quy hoạch "treo" chịu nhiều khó khăn về sinh hoạt, sản xuất đình đốn.
Hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép ở khu quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng chưa được xử lý.

Quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng có diện tích 300 ha, nằm giáp ranh giữa phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP Ðà Nẵng) 110 ha và xã Ðiện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) 190 ha, được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1057, do Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc ký ngày 9-12-1997. Theo đó, giai đoạn 1, từ năm 1997 đến 2005, Ðại học Ðà Nẵng lập quy hoạch chi tiết xây dựng giai đoạn 1, làm cơ sở lập dự án đầu tư các bước tiếp theo. Tổng mức đầu tư cho khu quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng là khoảng 2.546 tỷ đồng. Kể từ khi chính quyền hai địa phương công bố quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng, người dân nông thôn nơi đây hy vọng bộ mặt vùng quê được đổi mới, cuộc sống sẽ thay đổi nhanh chóng.

Nhưng gần 16 năm qua, cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch như bị dừng lại, vì dự án không có nguồn vốn xây dựng. Làm việc với chúng tôi, PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc Ðại học Ðà Nẵng cho biết: Sau thời gian dài chờ đợi, để triển khai xây dựng quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng giai đoạn 1, từ năm 2003 đến 2005, trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Ðại học Ðà Nẵng đã chủ động đầu tư 2,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự bổ sung của mình, chỉ mới làm được việc xây dựng mốc giới, xây dựng khu tái định cư, thi công đường bao quanh, giải phóng mặt bằng của 300 ha, nhằm quản lý đất tránh lấn chiếm. Do nguồn vốn ngân sách khó khăn, giai đoạn 2, từ năm 2007 đến 2012, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ phê duyệt xây dựng 36,32 ha/300 ha đất quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng tại Quyết định số 3148/QÐ-BGDÐT, ký ngày 19-6-2007. Ðến nay, mới hoàn thành xây dựng Trường cao đẳng Công nghệ thông tin, đi vào hoạt động từ năm 2011, với tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Ðược biết, kế hoạch xây dựng giai đoạn 3, từ năm 2013 đến 2015, Ðại học Ðà Nẵng cũng chỉ trình Bộ Giáo dục và Ðào tạo xin chủ trương đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng trên diện tích 60,2 ha đất thuộc quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng nằm trên phần đất địa bàn TP Ðà Nẵng. Như vậy, sau gần 16 năm triển khai quy hoạch chung, Ðại học Ðà Nẵng mới chỉ xây dựng 36 ha/110 ha thuộc phường Hòa Quý (TP Ðà Nẵng), phần đất quy hoạch thuộc xã Ðiện Ngọc (Quảng Nam) 190 ha, vẫn nằm trong quy hoạch "treo", người dân không biết chờ đến bao giờ?

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ðiện Ngọc, huyện Ðiện Bàn (Quảng Nam) Trần Duy Nghĩa cho biết: Quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng ảnh hưởng di dời trực tiếp đến gần 1.000 hộ dân của bốn thôn Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân của xã. Các thôn có nhiều hộ ảnh hưởng nhất là Tứ Hà có 470 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, thôn Câu Hà 220 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Người dân ở trong vùng quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng gần 16 năm qua phải sống "treo" cùng quy hoạch, không được mua bán, sang nhượng nhà cửa, tách hộ, tách thửa cho con cái đã trưởng thành, không được thế chấp vay vốn làm ăn, nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa. Người dân ở nông thôn có đất vườn rộng, nhưng nhiều thế hệ phải ở chung một nhà đã xuống cấp, chật chội gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2004, dự án khởi công xây dựng khu tái định cư Ðại học Ðà Nẵng hơn 1,1 ha ở thôn Ngọc Vinh cho đến nay việc giải phóng mặt bằng còn dở dang.

Chúng tôi đến các thôn nằm trong vùng quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng, chỉ cách TP Ðà Nẵng hơn 20 km, nhưng đường giao thông liên thôn vẫn là những con đường đất, đường điện thì kéo dây, trồng trụ tạm bợ. Giữa nắng trưa, ông Hoàng Bá Long, trưởng thôn Tứ Hà cho biết: "Thôn Tứ Hà có 200 ha đất, quy hoạch dự án Ðại học Ðà Nẵng chiếm khoảng 70 ha, trong đó có 10 ha đất vườn và đất sản xuất cây rau màu của bà con, hiện nay người dân không dám đầu tư cải tạo vườn tạp nâng cao hiệu quả kinh tế, vì đất quy hoạch". Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, TP Ðà Nẵng Nguyễn Hòa cho biết: "Quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng, phường Hòa Quý có 11 tổ dân phố với gần 900 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Ðường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng liên tổ không được đầu tư xây dựng. Tình trạng ngập úng khu dân cư thường xuyên xảy ra. Hơn bảy ha đất nông nghiệp của dân không sản xuất được do tình trạng ngập úng không giải quyết được".

Ðiều đáng quan tâm là hiện nay ở xã Ðiện Ngọc, khi người dân sống trong vùng quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng không được mua bán, chuyển nhượng đất làm nhà, tách thửa, tách hộ xây nhà cho con khi trưởng thành lập gia đình riêng, thì từ tháng 7-2010 đến nay, hàng trăm hộ dân trong vùng dự án tự chuyển nhượng đất màu (đất khai hoang do UBND xã quản lý và đất màu có ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho các đối tượng ở các địa phương khác đến mua đất, xây dựng nhà trái pháp luật trên đất dự án. Chỉ trong thời gian ngắn đã có 433 ngôi nhà xây dựng trái phép. Trong đó, thôn Tứ Hà có 244 nhà, thôn Câu Hà có 189 nhà xây dựng trái phép. Từ tháng 9-2010 đến tháng 1-2011, UBND xã Ðiện Ngọc phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính hàng trăm hộ vi phạm. UBND huyện Ðiện Bàn chỉ mới tổ chức cưỡng chế tháo dỡ được 19 căn nhà xây dựng trái phép. Trưởng thôn Câu Hà Nguyễn Công cho biết: "Việc xây nhà trái phép ở các thôn Câu Hà, Tứ Hà ngày càng tăng lên. Các đối tượng xây nhà trái phép thường xây dựng vào các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, chỉ một đêm đã mọc lên một căn nhà cấp bốn, cho nên khi phát hiện thì chuyện đã rồi!".

Những năm qua, Ðại học Ðà Nẵng tích cực phối hợp hai địa phương TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam họp bàn các biện pháp tháo gỡ, cũng như báo cáo trực tiếp Bộ Giáo dục và Ðào tạo để có ý kiến chỉ đạo thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ðề nghị UBND thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tiếp tục xem xét, cùng kiến nghị các giải pháp cụ thể trình lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Ðào tạo sớm chỉ đạo để dự án quy hoạch chung Ðại học Ðà Nẵng tiếp tục được triển khai dứt điểm, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân sống trong vùng dự án có cuộc sống ổn định lâu dài.

  • Môi giới nhà đất: Bị tán tỉnh, đánh ghen như ‘cơm bữa'

    Môi giới nhà đất: Bị tán tỉnh, đánh ghen như ‘cơm bữa'

    Bị khách mua nhà tán tỉnh hay bị đánh ghen bởi những bà vợ “sư tử Hà Đông”,...là những chuyện diễn ra như “cơm bữa” đối với các nhân viên môi giới nhà đất.

  • Hà Nội “vãn hồi trật tự" đất công

    Hà Nội “vãn hồi trật tự" đất công

    Nhằm quản lý hiệu quả đất công, UBND Tp. Hà Nội chính thức ban hành kế hoạch yêu cầu đơn vị chức trách khẩn trương xem xét, thẩm định phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, các công ty nhà nước trực thuộc thành phố quản lý …

  • Quý bà thành đạt 'dính' nhiều vụ kiện triệu USD

    Quý bà thành đạt 'dính' nhiều vụ kiện triệu USD

    Trước khi bị bắt vì cáo buộc lừa đảo, bà Trương Thị Tuyết Nga (Hoa hậu Quý bà thành đạt 2009, Giám đốc Bệnh viện Vũ Anh) từng là bị đơn trong những vụ kiện đòi triệu đô.

Thanh Lộc (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.