Dân và nhà nước cùng có lợi
Các quận vùng ven như 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân… chuyển từ huyện lên quận, hầu hết diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch thành đất đô thị. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc thực hiện các quy hoạch đòi hỏi có thời gian, nên đã xảy ra tình trạng có nhiều dự án quy hoạch treo kéo dài hàng chục năm.
Tại quận 7, đất đai của người dân nằm trong các khu quy hoạch làm công viên, hành lang cây xanh, trường học… hoang hóa lâu ngày trở thành ao tù, nước đọng, đầy cỏ dại, lãng phí tài nguyên và làm mất mỹ quan đô thị. Việc chính quyền quận 7 cho người dân vùng quy hoạch treo được phép dựng công trình tạm để khai thác quỹ đất được người dân đồng tình ủng hộ.
Khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Anh thuộc khu dân cư phường Bình Thuận đã được UBND quận 7 phê duyệt quy hoạch 1/2000 vào năm 2005 có chức năng công viên cây xanh thuộc khu công viên đa năng Hương Tràm. Đã 13 năm từ lúc đất đưa vào quy hoạch, gia đình không còn canh tác, cũng không thể chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, chỉ biết để cho cỏ dại mọc.
Trong khi đó gia đình bà Anh lại không có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chủ trương chung, ngày 8-5-2018, UBND quận có văn bản số 2151/UBND cho phép chủ đất được xây dựng bãi giữ xe tạm. Công trình bãi giữ xe tạm đang được gia đình bà Ngọc Anh tiến hành xây dựng để sớm đưa vào khai thác.
Việc cho phép khai thác đất quy hoạch treo cũng đã góp phần làm đẹp đường phố, mỹ quan đô thị trên địa bàn quận 7. Đường Nguyễn Hữu Thọ đi Nhà Bè được quy hoạch rộng, có nhiều làn xe. Dọc 2 bên đường đi qua địa phận phường Tân Hưng, Tân Kiểng còn quỹ đất rất lớn thuộc đất giao thông.
Không để tình trạng đất để hoang, nhếch nhác mất mỹ quan, quận đã linh hoạt cho dân dựng hàng quán, nhà giữ xe để kinh doanh buôn bán dọc theo tuyến đường. Nhờ cách làm này mà 2 bên đường không còn bãi đất hoang, thay vào đó là hàng trăm cơ sở kinh doanh khang trang sạch sẽ, tránh lãng phí và tăng thu nhập cho người dân.
Khi cho phép người dân tạm sử dụng đất trong khu quy hoạch, quận 7 đã xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ, thống nhất. Các phòng ban chuyên môn như Đô thị, Tài nguyên - Môi trường và UBND các phường cùng tham mưu, thực hiện và giám sát. Người có nhu cầu sử dụng đất phải cam kết khi nhà nước thực hiện quy hoạch, phải tháo bỏ công trình vô điều kiện. Công trình xây dựng tạm nhưng phải bảo đảm các điều kiện xây dựng bằng kết cấu lắp ghép tiền chế để thuận tiện lắp dựng và tháo dỡ, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.
Chủ đầu tư không được san lấp thêm, chỉ thực hiện trên phần đất thuộc chủ quyền, không làm ảnh hưởng đến khu đất kế cận. Hàng năm, chủ đầu tư phải báo cáo tình hình sử dụng đất để UBND quận xem xét gia hạn việc khai thác sử dụng đất mỗi năm.
Công khai, minh bạch
Khi triển khai thực hiện chủ trương này, địa phương đã gặp không ít trở ngại, mà nổi cộm là công tác quản lý sau cấp phép. Đã có tình trạng người dân xin phép một đằng nhưng làm một nẻo, như trường hợp bà Nguyễn Thị Đàm Chi, sang nhượng một khu đất tại phường Bình Thuận từ năm 2004 nhưng không thể sử dụng, không được cấp giấy chứng nhận vì nằm trong khu quy hoạch đất công viên cây xanh.
Một công trình nhà giữ xe khang trang được xây dựng tạm trên đất quy hoạch trồng cây xanh tại quận 7, TPHCM
Tiền đầu tư nhiều nhưng đất đai phải bỏ trống, không thể sử dụng nên cuộc sống gia đình bà Chi trong nhiều năm qua gặp không ít khó khăn. Xét nguyện vọng của bà Chi, UBND quận 7 đã có văn bản số 408/UBND chấp thuận cho bà Chi xây dựng có thời hạn nhà ươm cây giống trên khu đất này với quy mô 1 tầng. Bà Chi cam kết khi nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng thì phải tháo dỡ công trình và không yêu cầu bồi thường, hỗ trợ vật chất.
Nhưng trên thực tế khi chính quyền cơ sở, lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn thiếu kiểm tra giám sát, bà Chi đã biến nhà ươm thành công trình nhà ở. Vụ việc đã được phát hiện xử lý, một số cán bộ bị kỷ luật.
Ông Nguyễn Đức Trí, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, cho biết: “Chính quyền tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khai thác, sử dụng đất, nhưng phải bảo đảm quy định pháp luật để giữ quy hoạch. Công khai, minh bạch quy hoạch và các chính sách, quy định cho người dân biết để thực hiện, giám sát.
Nhiều biện pháp đã được áp dụng như niêm yết bản quy hoạch đến các khu phố, sử dụng camera giám sát thực tế và lập tổ tự quản tại các khu phố. Phường còn lập đoàn giám sát do Bí thư Đảng ủy phường đứng đầu, cứ 1 lần/tuần lại đi thực tế để kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm”.