Hiện còn rất nhiều quy hoạch treo trên địa bàn thành phố. Ảnh: Ngọc Dương
Theo các chuyên gia, phải điều chỉnh nhiều thuật ngữ trong các quyết định, đồ án quy hoạch cho phù hợp với luật thì mới giải quyết được tình trạng này.
Sống gần công viên vốn là mơ ước của hầu hết người dân thành phố nhưng rất nhiều hộ dân tại P.3, Q.11 hàng chục năm nay lại phải sống trong cảnh tạm bợ vì bị dính quy hoạch treo trong đồ án quy hoạch công viên văn hóa Đầm Sen. Theo các hộ dân tại đây, nơi họ sống có lẽ là tồi tệ nhất ở Q.11 bởi dính vào dự án mở rộng công viên Đầm Sen. Ông Lữ, một cư dân ở đây dẫn chúng tôi vào “tham quan” căn nhà ẩm thấp, xuống cấp trầm trọng của mình kể, gia đình ông gồm 3 thế hệ đã phải chen chúc trong căn nhà 2 tầng rộng khoảng 40 m2 này nhiều năm.Dù muốn đập đi xây lại để có thêm chỗ ở cho 8 thành viên trong nhà nhưng không được do nằm trong quy hoạch. Mỗi khi nhà xuống cấp, ông Lữ chỉ có thể sửa chữa theo hiện trạng.
“Hàng trăm hộ dân tại khu vực này hay nói đùa với nhau, chúng ta đã bị bỏ rơi, bị lãng quên bởi trong khi xã hội phát triển ầm ầm thì khu vực này vẫn giậm chân tại chỗ, nghèo nàn, lạc hậu, sống chen chúc hôi hám, trở thành khu ổ chuột giữa một thành phố hoa lệ. Người dân ở đây càng khốn khổ hơn mỗi khi mùa mưa về là nước bẩn tràn vào các nhà dân, hôi thối không kể xiết”, ông Lữ bức xúc.
Phó chủ tịch UBND Q.11 Trần Thúc Chương cho biết, khu vực quy hoạch này rộng 5,8 ha đã kéo dài qua nhiều năm. Hiện nay sau khi Công ty cổ phần Quốc tế C&T không tiếp tục đầu tư nên UBND Q.11 sẽ báo cáo TP xem xét thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, vừa thực hiện chỉnh trang đô thị. UBND TP.HCM cũng đang nghiên cứu theo hướng xóa “treo” đối với dự án này nên UBND Q.11 đã thông báo việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng có thời hạn trong khu vực 5,8 ha Đầm Sen.
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều quy hoạch treo trên địa bàn thành phố. Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để giải quyết hài hòa lợi ích của người dân có đất nằm trong các đồ án quy hoạch và lợi ích của nhà nước cần phải có một chính sách bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo đó, những khu vực chưa có quyết định thu hồi đất, cũng chưa có kế hoạch triển khai dự án cần cho phép người dân được phép xây dựng, cấp sổ hồng. Khi dự án thực hiện cần phải bồi thường nhà đất thỏa đáng cho người dân. Những đồ án quy hoạch nào sau 5 năm không thực hiện cần phải xóa, trả lại quyền lợi cho người dân, không thể có chuyện để các đồ án quy hoạch kéo dài liên miên hết năm này qua năm khác.
"Để thực hiện nhanh đồ án quy hoạch, thành phố cần có nguồn vốn để đứng ra giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sau đó lấy quỹ đất này đem đấu giá, tạo nguồn vốn tiếp tục bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các đồ án quy hoạch khác. Đối với các đồ án quy hoạch cây xanh, có thể xã hội hóa bằng cách cho xây dựng các công trình vui chơi giải trí, dành một phần quỹ đất để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn. Nếu làm được điều này, người dân trong các vùng quy hoạch sẽ “vui vẻ” đón nhận vì họ được quyền chuyển mục đích sử dụng đất, được xây dựng nhà ở, được bồi thường. Đối với nhà nước cũng không mất gì mà có thể đấu giá quỹ đất thu về thêm thặng dư để làm các dự án khác. Nhà đầu tư khi có đất sạch sẽ mạnh dạn đấu giá đất để làm dự án, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài", ông Nghĩa đề xuất.
-
Khu dân cư bị quy hoạch treo hơn 11 năm
Các hộ dân ở đường Số 16 và đường Hoàng Diệu 2 (khu phố 1, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM) bị rơi vào tình cảnh bị quy hoạch treo hơn 11 năm nay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.