Nhà máy của công ty Rạng Đông nằm trong khu dân cư đông đúc
Hơn hai tuần sau ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại nhà máy của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), một cuộc tháo chạy của cư dân sinh sống tại các dự án chung cư có vị trí lân cận nhà máy này đã diễn ra.
Trong buổi họp báo Chính phủ ngày 4/9, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy của Công ty Rạng Đông và xung quanh vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần.
Người ta ước tính lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg và bán kính ảnh hưởng là 500 mét tính từ hàng rào của Công ty Rạng Đông. Tuy nhiên, nhiều điểm quan trắc trong bán kính dưới 1 km cũng phát hiện mức độ độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép.
Như vậy, nhiều tòa chung cư trong bán kính dưới 1 km quanh nhà máy Rạng Đông có thể bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại sau vụ cháy. Hiện có không ít dự án chung cư nằm trong phạm vi này, chẳng như 143 Hạ Đình, 54 Hạ Đình, TRN Goldeseason, Golden Land BuiLding, 90 Nguyễn Tuân, Thống Nhất Complex…
Quá ám ảnh từ vụ cháy kinh hoàng, cùng những lo sợ cho sức khoẻ của bản thân và con cái, nhiều cư dân đã lựa chọn rời bỏ căn hộ mình đang ở để dọn đi nơi khác. Thậm chí, giá bán nhiều căn hộ cũng bị “tụt dốc” do ảnh hưởng tiêu cực của vụ cháy.
Sự cố tại nhà máy Rạng Đông được xem như hồi chuông cảnh tỉnh cho hiện trạng có rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp nằm trong khu dân cư đông đúc hiện nay.
Bụi được cho là từ nháy máy may mặc tấn công khu căn hộ Ehome 3
Tại TP.HCM, ảnh hưởng từ các nhà máy công nghiệp đến khu dân cư cũng từng xảy ra. Điển hình là câu chuyện tại dự án chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân). Theo đó, người dân tại cụm chung cư này đã từng nhiều lần tố một nhà máy công nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc hoạt động gần chung cư khiến bụi xâm nhập các căn hộ.
Loại bụi này bám trên mọi vật dụng sinh hoạt của gia đình gây mất vệ sinh. Nguy hiểm hơn là gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cư dân, đặc biệt là trẻ em.
Bênh cạnh các nhà máy công nghiệp, thì việc các khu đô thị liền kề bãi rác cũng gây ra nhiều nhức nhối cho người dân. Những người dân sinh sống tại khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng là những người thấu hiểu hơn cả tình trạng này.
Suốt một thời gian dài, người dân Phú Mỹ Hưng đã phải cầu cứu chính quyền thành phố can thiệp vì cuộc sống bị đảo lộn do mùi hôi thối được cho là xuất phát từ bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Nhà Bè). Đây là khu xử lý rác thải lớn nhất hiện nay của TP.HCM với khả năng xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày.
Chị Hương, một người dân cho biết, từ nhiều năm nay, người dân sống ở đây đã chịu tra tấn bởi mùi hôi khó chịu từ bãi rác này. “Mùi rác ở đây rất kinh khủng, cứ về đêm khuya hoặc sáng sớm là bốc lên nồng nặc, nhiều người không dám mở cửa. Thậm chí những căn hộ chung cư ở tầng cao thì bị ảnh hưởng càng nhiều hơn”, chị Hương nói.
Người dân tại khu Nam Sài Gòn cũng lo ngại, khu vực tập kết của bãi rác Đa Phước hiện nay là vùng sình lầy, nằm gần các con sông, kênh rạch. Do đó, khi rác tập kết về đây để trong một thời gian dài, nước rỉ của rác thải sẽ ngấm vào mạch nước làm ô nhiễm các dòng sông quanh khu vực.
Người dân tố bãi rác Đa Phước là thủ phạm chính gây ra mùi hôi khu vực phía Nam thành phố
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc địa ốc Đất Lành cho rằng, mùi hôi, ô nhiễm không khí là những điểm trừ đối với các khu đô thị. Tình trạng này không sớm được xử lý thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà thị trường bất động sản của cả khu vực đó cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này không phải đơn giản vì cần phải có tầm nhìn quy hoạch và đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Lý giải nguyên nhân nhiều nhà máy công nghiệp nằm trong nội đô chậm di dời, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để xảy ra tình trạng này là do thiếu nguồn lực thưc hiện, vì muốn di dời phải có nguồn lực ngân sách.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do này để chậm di dời đến vị trí mới. Một số khác thì cho rằng, doanh nghiệp khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô.
Tuy nhiên, khó khăn quan trọng nhất là nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quyết liệt.
Cái khó nữa là sự thiếu giám sát nhất định trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Hai mươi năm nay đặt ra chủ trương di dời, thậm chí có những cơ sở đã có quyết định di dời 4 - 5 năm nay nhưng không thực hiện.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình mới đây đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư.
-
Di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất độc hại ra khỏi đô thị
CafeLand – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hoá chất nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị.