Tăng 20,2% so với cuối năm 2012 nhưng tính trung bình hàng tháng thì tốc độ tăng nợ xấu đang giảm dần. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Nợ xấu hiện chiếm hơn 4,6% tổng dư nợ và có xu hướng tăng chậm lại.

Tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân chỉ còn 2,2%/ tháng

Tốc độ tăng nợ xấu bình quân đã giảm

Nợ xấu và các biện pháp xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 15 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, con số được các tổ chức tín dụng báo cáo đến cuối tháng 9/2013 cho thấy: Tổng nợ xấu nội bảng là hơn 142.300 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân đến hết tháng 9/2013 đã giảm đáng kể, chỉ còn 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng của năm 2012.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, kết quả của quá trình xử lý nợ xấu là do triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đặc biệt với sự vào cuộc của Công ty Quản lý và khai thác tài sản Việt Nam (VAMC).

Được biết, đến ngày 21/11/2013, VAMC đã xử lý được gần 18.400 tỷ đồng nợ xấu với giá mua 14.400 tỷ đồng. Công ty này đang tự xác định giá thị trường của mỗi khoản nợ xấu dự kiến mua, bán hoặc thông qua tổ chức giám định độc lập. Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dự kiến đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn tín dụng trong nền kinh tế.

Thời gian tới NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và một số cơ quan để xây dựng khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ.

Vẫn cần những giải pháp quyết liệt

Nhóm công tác ngân hàng thuộc VBF cũng đã đưa ra một số nhận xét và gợi ý kiến nghị trong quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Theo đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chịu sức ép lớn về nợ xấu và đòi hỏi một lượng tiền lớn để tái cấu trúc. Vì thế, với hoạt động của VAMC, cần phát hành trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu bởi “nếu kinh tế không kịp phục hồi thì VAMC sẽ rất khó khăn trong tương lai với những khoản nợ xấu không thể bán được”, nhóm công tác bày tỏ ý kiến.

Bên cạnh đó, việc hoãn áp dụng Thông tư 02/2013 của NHNN về phân loại nợ xấu sẽ khiến con số thực về nợ xấu chưa được bộc lộ hết, nếu làm đúng lộ trình thì tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo có thể tăng cao. Nhóm công tác ước tính, nếu nợ xấu là 8,6% như con số được đưa ra bởi NHNN vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng cần thêm một khoản tiền tương đương 121 nghìn tỷ đồng để đem hệ số an toàn vốn tối thiểu về mức hiện tại là 13,8%.

Được biết, NHNN vẫn đang rất quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Cơ quan này vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại nếu chưa cơ cấu nợ, trích lập đủ dự phòng xử lý nợ xấu sẽ không được tăng lương, thưởng cán bộ, cấp quản lý, điều hành; không tạm ứng cổ tức của tài khóa 2013 nếu chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn chỉ đạo các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động bằng mọi cách. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có vốn chi phối của nhà nước, các tổ chức tín dụng đều phải xin ý kiến NHNN chi nhánh tỉnh, thành về việc tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2013 trước khi thực hiện.

Nợ xấu giảm ít nhiều đã ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 25/11/2013, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 7,54% so với cuối năm 2012; trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn có mức tăng trên 10%. Lãi suất cho vay hiện giảm 3-5%/năm so với đầu năm, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh đã được vay với mức lãi suất 6,5 - 7%/năm.
Duy Minh (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.