Chưa bao giờ công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng lại mạnh tay siết nợ, bán nợ như trong năm 2019. Ngay từ đầu năm, hàng loạt dự án đình đám trị giá hàng nghìn tỷ đồng được rao bán rầm rộ.
Hiếm có thương vụ giao dịch thành công
Điển hình, BIDV vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Xuất Nhập Khẩu Tổng hợp I Việt Nam để thu hồi nợ vay có giá trị cả gốc và lãi hơn 121 tỷ đồng. Trong 4 lần rao bán trước đó, khoản nợ này không tìm được người mua. Hiện, giá khởi điểm bán khoản nợ đã được BIDV giảm xuống còn hơn 65 tỷ đồng.
Hay như khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn thuộc sở hữu của VAMC và BIDV có tổng dư nợ gốc và lãi tính đến cuối tháng 6/2018 là gần 2.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 1.208 tỷ đồng, còn lại là dư nợ lãi.
Trong lần rao bán hồi tháng 5/2018, giá khởi điểm bằng với dư nợ gốc là 1.208 tỷ đồng, sau 5 lần rao bán không thành công, đến nay giá khởi điểm chỉ còn 843 tỷ đồng.
Gần đây, Sacombank tiến hành thanh lý hàng loạt bất động sản để xử lý nợ xấu. Trong đó, 3 lô đất "khủng" được Sacombank rao bán đại hạ giá gần 3.000 tỷ đồng do nhiều lần rao bán nhưng không có người mua.
Cụ thể, toàn bộ Dự án Khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.
Dự án khu dân cư phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) được rao bán với giá khởi điểm 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước. Tháng 10/2018, Sacombank đã rao bán dự án khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh với giá 6.650 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với mức giá chào bán ban đầu.
Hay như dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP. Hồ Chí Minh được rao bán với giá khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng gần hai năm nay chưa bán được.
Hoạt động xử lý nợ xấu là vấn đề trọng tâm của các ngân hàng trong năm 2019
Nợ xấu "xấu" đến bao giờ?
Đại diện của VAMC cho biết, việc thu hồi nợ xấu tiến triển khá tốt, tuy nhiên thị trường có muôn hình vạn trạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng khoản nợ, giá cả chào bán. Do đó, VAMC có khi chỉ đấu giá một lần là bán được tài sản, nhưng cũng có tài sản phải đấu giá 7-8 lần, thậm chí là 10 lần vẫn chưa có người mua.
Đầu năm 2019, Chính phủ đề ra nhiệm vụ quyết liệt xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong năm nay, ngành ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%.
Các ngân hàng cũng cho biết, năm nay, hoạt động xử lý nợ xấu là vấn đề trọng tâm. Tuy nhiên, mong muốn là vậy nhưng việc xử lý được những khoản nợ xấu này lại không hề dễ dàng.
Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế – tài chính, sự quyết liệt xử lý nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua có thể thấy thông qua việc dồn dập đại hạ giá để thanh lý các khoản nợ xấu. Thậm chí có những khoản nợ giảm giá hàng trăm tỷ, nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công.
Nguyên nhân là do vấn đề xử lý nợ xấu đang vướng ở nhiều điểm. Cụ thể, Nghị quyết 42/2017/ QH14 của Quốc hội ra đời để hỗ trợ xử lý nợ xấu nhưng là đưa ra cơ chế, trong khi thực tế việc xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào cơ chế mà tùy thuộc vào sự tương tác của thành phần xử lý nợ xấu (bao gồm: ngân hàng, con nợ và các bên liên quan như tòa án, chính quyền địa phương, cơ quan an ninh…).
Theo các chuyên gia, hầu hết các khoản nợ xấu đều là những bất động sản có giá trị hàng chục đến hàng trăm tỷ. Số tài sản nợ xấu được thu hồi và rao bán dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Câu hỏi đặt ra ở đây là sẽ có bao nhiêu "đại gia" có đủ khả năng mua khối tài sản nghìn tỷ đồng? Nếu lại đi vay vốn từ các ngân hàng và dùng chính tài sản đó thế chấp, thì nợ xấu có được xử lý triệt để hay chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác?
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thông thường, những bất động sản có liên quan đến xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ được bán với giá "mềm" hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, để "đắt hàng", Việt Nam cần sớm có những quy định cụ thể hóa thị trường mua bán nợ.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn còn tâm lý quan ngại khi mua tài sản thi hành án, vì vậy khi có thị trường mua bán nợ, các khoản nợ xấu sẽ được minh bạch đầy đủ thông tin, lúc đó nhà đầu tư sẽ đánh giá, tính toán được mức giá thực sự xem có "hời" không mới "đổ" tiền vào.
Ông Hiếu cho biết, tại các quốc gia phát triển, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng "ôm" đống tài sản này để từ đó khi có cơ hội bán đi kiếm lời hoặc bỏ thêm tiền đầu tư để phục vụ nhu cầu kinh doanh lâu dài.