Tại TP HCM loại hình đất để chôn cất người chết không
còn nhiều. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang giải tỏa, nghĩa trang Đa Phước
cũng đã được lấp đầy giai đoạn 1 là 7,5 ha. Hiện nay chủ đầu tư nghĩa
trang Đa Phước đang giải tỏa mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 rộng hơn
12 ha.
Trong khi đó, chủ trương của UBND TP HCM là khi chôn cất mai táng phải đưa vào những nơi quy hoạch dành cho nghĩa trang. Điều này cũng góp phần khiến các khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận đẩy mạnh kinh doanh mộ phần cho người chết.
Trong quý II, thị trường đất nghĩa trang tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai có nhiều biến động về giá và nguồn cung. Ghi nhận của VnExpress.net,
giá xây kim tĩnh tăng ít nhất 10-15% trong ba tháng qua, còn giá đất
làm mộ phần cũng được xếp vào hàng đắt đỏ. Trên thị trường, mộ phần loại
nhỏ 2,5 m2 có giá trung bình 30-40 triệu đồng, chưa tính chi phí xây
dựng. Mộ phần diện tích 3,5-4,5 m2 xây kim tĩnh chi phí đất và xây dựng
lên đến 120 triệu đồng.
Trong khi đó, hai tỉnh láng giềng của TP HCM là Bình
Dương, Đồng Nai cũng chạy nước rút hoàn thành các dự án công viên nghĩa
trang mới.
Một góc công viên nghĩa trang ở Đồng Nai. Ảnh: Hà Thanh.
Tại nghĩa trang Đa Phước TP HCM, phần mộ có diện tích
2,6 m2 tại khu mộ bình thường có giá 30-75 triệu đồng, bao gồm đất và
chi phí xây dựng. Nhà mồ có giá từ 100 triệu đồng trở lên, bao gồm tiền
đất và tiền xây kim tĩnh. Tại quận 9, những phần mộ gần chùa có diện
tích 4,5 m2 có giá 80 triệu đồng bao gồm chi phí xây mộ. Khu đất có vị
trí đẹp, diện tích 3,3 m2 tiền đất và mộ lên đến 110-120 triệu đồng.
Tuy cách xa TP HCM, giá đất nghĩa trang ở Bình Dương
cũng đắt không kém. Tại công viên nghĩa trang Bình Dương, khu mộ 5,6 m2
có giá 12-22 triệu đồng. Phần mộ 13 m2 có giá cao nhất 190 triệu đồng.
Khu vực được xây dựng tối đa 8 mộ diện tích 80 m2 giá từ 330 đến hơn 400
triệu đồng.
Còn tại Đồng Nai, mộ phần trong các ngôi chùa lớn diện
tích 3-5 m2 có giá 70-100 triệu đồng tùy vị trí. Riêng các khu giáo sứ,
mỗi mộ phần loại thông thường có giá 25 triệu đồng.
Cũng trong quý II, nguồn cung mới đất nghĩa trang tăng
lên đáng kể. Tại Bình Dương, có dự án công viên nghĩa trang Bình Dương
rộng 190 ha, vốn đầu tư 370 tỷ đồng có 9 khu chỉ mới khai thác xong 7%
phần đất địa táng. Chủ đầu tư dự kiến dành 60% diện tích đất của công
viên nghĩa trang này để phục mụ mai táng cho địa phương và các tỉnh lân
cận.
Mộ phần ở nghĩa trang cũng được trồng cây cảnh bày trí như công viên. Ảnh: Hà Thanh.
Tại Đồng Nai, Khu Đô thị tâm linh An Viên Vĩnh Hằng
tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhận đăng ký của khách từ
tháng 7. Dự án rộng 116 ha bao gồm 9 khu gồm 4 khu vườn, 4 quả đồi và
một thung lũng với khoảng 60.000 chỗ an táng và 300,000 chỗ lưu tro cốt.
Dự án này gồm các khu an táng, tâm linh, quảng trường tưởng niệm, khu
dịch vụ, công viên cây xanh. Vốn đầu tư giai đoạn một của khu đô thị tâm
linh này là 247 tỷ đồng.
Hầu hết các nghĩa trang lớn được quy hoạch và có dịch
vụ chuyên nghiệp hơn nghĩa trang tự phát. Gia đình có người chết được
lựa chọn hình thức địa táng chôn một lần hoặc hỏa táng và có nhiều loại
mộ phần từ mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình đến mộ dành cho doanh nhân.
Theo giới kinh doanh thị trường
này sẽ mở rộng ra khu vực vùng ven TP HCM. Dự báo này căn cứ vào quy
hoạch TP HCM đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ định hướng xây
dựng các nghĩa trang tập trung theo dạng công viên với quy mô từ 200 đến
300 ha. Vì vậy, giới kinh doanh nhận định, khu vực xung quanh TP HCM
như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An sẽ có xu hướng mở rộng thị
phần này.