Đánh giá tổng quát về tình hình nợ công trên thế giới hiện nay, Phó giám đốc Bộ phận nợ và Tài chính phát triển của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), ông Ugo Panizza, cho rằng nhiều quốc gia chưa nắm hết những thách thức, hay các cách thức sử dụng linh hoạt công cụ quản lý nợ công…
Nợ nước ngoài của Việt Nam có đi ngược xu hướng?

Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia - Ảnh: Anh Quân.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đi kèm là viễn cảnh không mấy sáng sủa của tình hình nợ công, thâm hụt tài khóa…, hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia được tổ chức sáng 17/10 tại Hà Nội nhận được nhiều ý kiến thống nhất từ các diễn giả: tính bền vững của nợ công là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

Những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997, nay được nhắc lại như còn tươi mới. Sự chuyển dịch sau đó trong cơ cấu nợ quốc gia của Thái Lan, Indonesia theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài, được nhắc đến như một giải pháp căn bản để tránh rủi ro khủng hoảng lặp lại. Nhưng, Việt Nam là một trường hợp khác biệt.

“Phát triển thị trường trái phiếu trong nước với chúng tôi là yếu tố quan trọng nhất để quản lý nợ công an toàn”, bà Ranee Itarat, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách nợ công - Vụ Kế hoạch và Chính sách (Thái Lan), cho hay.

Với quốc gia là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Thái Lan trước đây phụ thuộc lớn vào vốn vay nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển và cân đối ngân sách. “Trước khủng hoảng, nợ nước ngoài của chúng tôi chiếm tỷ trọng rất lớn và tăng nhanh đến không thể quản lý được”, bà Ranee Itarat nói thêm.

Tuy nhiên, ngay sau đó, chính phủ nước này đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng mạnh vay trong nước. Giai đoạn 1996-2000, dư nợ thị trường trái phiếu của Thái Lan tăng gấp 3 lần thì dư nợ trái phiếu chính phủ tăng tới 50 lần. Theo kế hoạch quản lý nợ công cho năm tài khóa 2011, nợ nước ngoài trong tổng vay nợ mới của Thái Lan chỉ vào khoảng 11%.

Một trường hợp tương tự là Indonesia. Dữ liệu về nợ công của quốc gia này cho thấy, từ trước năm 1997, nợ quốc gia của Indonesia chủ yếu là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nợ trong nước bằng đồng tiền nội địa (Rupiah) đã chiếm khoảng 70% tổng nợ.

So với GDP, nợ nước ngoài của Indonesia từ mức gần 24% vào năm 2005 đã giảm rất nhanh xuống mức dưới 11% trong năm nay. “Chúng tôi đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ như một công cụ bù đắp thâm hụt ngân sách”, Giám đốc Danh mục và Chiến lược nợ - Tổng cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính Indonesia) Ayu Sukorini cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam chưa tạo được các điều chỉnh tương tự sau giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực đi qua. Dù theo Bộ Tài chính, việc tăng tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ quốc gia cũng là biện pháp quan trọng để đảm bảo tính ổn định của nợ công, nhưng xem ra, các số liệu thống kê không cho thấy sự điều chỉnh tương ứng.

Theo dự liệu từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ 2006-2010, nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam đã tăng từ 31,4% lên 42,2%. Cùng thời gian này, nợ công cũng liên tục tăng, đến cuối năm 2010 lên đến 57,3% GDP, theo cách tính của Việt Nam.

Chỉ tính riêng con số nợ Chính phủ (chiếm khoảng 80% tổng nợ công), nợ nước ngoài cũng lớn hơn nợ trong nước, với tỷ lệ tương ứng là 58% và 42%.

Những quan ngại khác cũng được đặt ra, liệu với con số chốt cứng của kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong 5 năm tới ở mức 45 nghìn tỷ đồng/năm, nhu cầu vốn cho đầu tư lại rất lớn, có thể một số dự án hạ tầng quy mô “khủng” được triển khai..., thì tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng nợ công sẽ còn cao hơn?

Lưu ý của ông Ugo Panizza sau đây có lẽ cần được quan tâm hơn nữa, với trường hợp Việt Nam. Ông cho rằng: “Những biến động về lãi suất và tỷ giá có thể đem lại những tác động bất lợi đối với chi phí trả nợ của Chính phủ”.

Điều này cũng được Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Nguyễn Thành Đô đề cập trong bài phát biểu của mình. Theo ông, việc cơ cấu đồng tiền nghiêng về phía đồng Yên (Nhật Bản) cũng bao hàm nhiều rủi ro trong quản lý nợ công của Việt Nam, do đây là đồng tiền “nổi tiếng” nhiều biến động.

Năm 2008-2009, do những thay đổi về tỷ giá của đồng Yên, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 800 triệu USD, tương đương với nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn này.
Theo Anh Quân (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.