03/08/2010 10:05 AM
Mỹ đã bán hàng ngàn tỷ đôla giấy chứng nhận nợ (IOU), thực tế nghĩa vụ nợ của nước này cao gấp 40 lần con số nợ công chính thức.
 Nợ của Mỹ cao gấp 40 lần so với công bố
Người viết là GS Kinh tế Laurence Kotlikoff từ ĐH Boston. Bài viết này dựa trên các phân tích được tác giả phát triển cùng với Christian Hagist, Stefan Moog và Bernd Raffelhüschen từ ĐH Freiburg

Nỗi ám ảnh Hy Lạp phá sản tiếp tục đe dọa thị trường tài chính toàn cầu.

Lợi suất trái phiếu dài hạn của chính phủ Hy Lạp nay đang cao hơn trái phiếu tương đương của chính phủ Mỹ 700 điểm. Kết luận rút ra là tình hình ngân sách của Mỹ tốt hơn Hy Lạp nhiều.

Sự thật còn lâu mới dễ chịu như thế.

Hy Lạp nợ tổng cộng 120% GDP, gấp đôi Mỹ. Nhưng chỉ nợ không thôi chẳng nói được gì nhiều về tình hình ngân sách của một quốc gia.

Kinh tế học gọi đây là “vấn đề tên gọi”, vì chính phủ có thể gọi các khoản thu chi theo bất kỳ cách nào họ muốn.

Ví dụ như thuế đánh vào lương để trả tiền lương hưu và chăm sóc y tế có thể được gọi là “vay”, phúc lợi tương lai được gọi là “trả” trừ đi thuế tương lai. Tính toán theo cách này, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ là 15% thay vì 9% GDP.

Cải cách lương hưu của Chile đầu những năm 80 cũng “đặt tên khác” cho các khoản thâm hụt của nước này theo cách đó.

Các khoản thu, trước đây được gọi là thuế, nay được chuyển vào các quỹ lương hưu tư nhân, chính phủ lại vay của các quỹ đó để bù đắp cho tiền lương hưu mình phải trả. Thế là xong!

Cùng số tiền ấy vẫn đi từ tay người lao động tới tay người về hưu. Thay đổi thuật ngữ kinh tế giúp họ hạn chế chi tiêu vì “thâm hụt” đã quá cao. Nhờ thế mà tình hình ngân sách dài hạn của Chile được cải thiện, bất chấp nợ có nhiều thêm.

Dù không với mục đích thắt chặt ngân sách nhưng sau đó Argentina cũng “cải cách” tiền lương hưu.

Gần đây họ quốc hữu hóa các quỹ lương hưu, gọi đây là doanh thu từ các tài sản sung công, trong khi nghĩa vụ tài chính trong tương lai lại bị đặt ngoài sổ sách. Hy Lạp cũng đã làm tương tự khi bán phí và các khoản thu dự tính từ sân bay và xổ số.

Rồi đến cả Pháp bắt chước khi sung công quỹ lương hưu của France Télécom (trong khi vẫn giữ lại nghĩa vụ trả lương hưu) để đáp ứng tiêu chuẩn thâm hụt ngân sách khi gia nhập eurozone.

Nhưng tất cả những nước trên đều phải ngả mũ trước bậc thầy của nghệ thuật “gọi tên”: Hoa Kỳ.

Trong nửa thế kỷ vừa qua, Mỹ đã bán hàng chục ngàn tỷ đôla giấy chứng nhận nợ không chính thức (IOU) để chi trả cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế mà nay tổng cộng đã gấp 40 lần nợ chính thức.

Vậy thực tế Mỹ có nợ lớn hơn 40 lần so với những gì họ công bố? Thâm hụt ngân sách năm nay là 15% hay 9% GDP? Tùy bạn chọn, vì trong cái thế giới này các phép đo đều chẳng có ý nghĩa gì cả.

Kinh tế học cũng giống như vật lý học, một số khái niệm vẫn còn chưa được định nghĩa thuyết phục.

Trong vật lý đó là thời gian và khoảng cách tuyệt đối, tính toán chúng còn tùy thuộc vào hướng và tốc độ di chuyển trong không gian. Hệ quy chiếu này sẽ quyết định cách chúng ta nhận thức thời gian của một ngày hay độ dài của một chiếc bàn thế nào.

Trong kinh tế học, cứ mỗi đôla chính phủ thu về hay chi ra có thể được gọi bằng những từ khác nhau, từ đó mà tạo ra được bất kỳ con số nợ công nào chính phủ mong muốn.

Kết quả là sử dụng tổng nợ để đánh giá ngân sách một nước có bền vững hay không như G20 đã làm chẳng khác nào tìm đường ở New York với tấm bản đồ Los Angeles trong tay.

May mắn là cũng có một biện pháp tính toán tình hình ngân sách không chịu ảnh hưởng của “vấn đề gọi tên”: “thiếu hụt tài khóa” (fiscal gap), tức chênh lệch giữa toàn bộ thu nhập và chi tiêu trong tương lai chiết khấu về thời điểm hiện tại.

“Fiscal gap” của Hy Lạp thật kinh hoàng.

Cách tính toán mà tôi cùng các đồng nghiệp tại ĐH Freiburg phát triển cho thấy giá trị này bằng 11,5% giá trị GDP tương lai của Hy Lạp. Con số khủng khiếp này đã tính tới chính sách thắt lưng buộc bụng gần đây.

Với Mỹ, dựa trên dự phóng của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, con số ấy thậm chí còn lớn hơn: 12,2%.

Rõ ràng, tình hình ngân sách của Hy Lạp quá tồi tệ. Để lập lại trật tự, họ cần thắt chặt ngân sách thêm 11,5% GDP mỗi năm nữa. Con số ấy đúng là đã nâng chữ “khắc nghiệt” lên một tầm cao mới.

Nhưng tình hình ở Mỹ còn tệ hơn, tính toán từ dự phóng của CBO cho thấy “fiscal gap” của nước này là 12,2% tức là từ nay tới năm 2020, Mỹ phải thắt chặt ngân sách 7,2% .

Nhưng các giả định đằng sau con số 7,2% này mang nhiều tính suy đoán, bao gồm cả việc số người nộp thuế theo diện Alternate Minimum Tax (thuế lựa chọn tối thiểu, tức loại thuế chỉ nhắm vào nhà giàu) sẽ tăng mạnh.

CBO cũng giả định lương thực tế tăng khiến đại bộ phận người lao động sẽ phải chịu thuế suất thuế thu nhập cao hơn và Quốc hội sẽ cắt giảm chi tiêu không thiết yếu cũng như tiết giảm mạnh phúc lợi từ hai chương trình Medicare và Medicaid.

Tất cả các giả định này đều mâu thuẫn với những gì diễn ra gần đây.

Nhắm mắt lại và mơ ước sẽ chẳng giúp giải quyết được tình hình ngân sách bi đát hiện tại của nước Mỹ. Hoa Kỳ chỉ còn cách một thảm họa kinh tế có một bước chân.

Đáng lẽ phải lên kế hoạch ngân sách dài hạn, thật thà với công chúng và áp dụng các cải cách sâu rộng để vĩnh viễn duy trì ổn định tình hình ngân sách từ rất lâu rồi.

Cafeland.vn
Theo Economist
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.