Tháng 7/2016, báo Dân trí có bài viết: “Trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm vì thiếu vốn”, phản ánh về dự án trường Đại học Hoa Lư ở Ninh Bình được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng sau nhiều năm thi công vẫn ngổn ngang, dang dở, nhiều hạng mục bị bỏ hoang, “đắp chiếu”… nguyên nhân là do thiếu vốn.
Dự án trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) sau 10 năm thi công đến nay vẫn dở dang.
Điều khiến người dân bức xúc là diện tích đất “bờ xôi ruộng mật” của dân bị thu hồi để xây dựng dự án trường đại học hiện đại, trị giá 420 tỷ đồng này sau nhiều năm giờ biến thành nơi bỏ hoang, bãi chăn thả trâu bò vô cùng lãng phí.
Chưa hết, dự án xây dựng trường học được đầu tư với số tiền hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước sau nhiều năm chỉ xây được căn nhà thô 10 tầng, nhiều hạng mục móng đổ bê tông, dựng cốt thép, cổng, tường rào bao quanh… rồi bỏ phơi mưa, phơi nắng nhiều năm không ai thương tiếc, xót xa tiền thuế của dân.
Sự lãng phí về tài nguyên đất, tiền ngân sách Nhà nước liên quan đến dự án trường đại học Hoa Lư khiến người dân tỉnh Ninh Bình vô cùng bức xúc. Nhiều năm liền người dân liên tục phản ánh, ý kiến, nhất là qua các kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri đều nêu ý kiến về công trình tiến độ như “rùa bò” này.
Số tiền ngân sách Nhà nước đã đầu tư trên 220 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng mục dự án, đến nay bỏ phơi mưa phơi nắng.
Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có giải pháp khắc phục nhưng đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, trách nhiệm của những người có liên quan thì “vẫn chưa thuộc về ai”.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 – 2021) họp ngày 5 và 6/7/2017, cử tri đặt câu hỏi: Việc triển khai xây dựng trường đại học Hoa Lư chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản của nhà nước, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị có liên quan? Có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án và cho biết dự kiến thời gian thực hiện cụ thể?.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trả lời: “Đến nay dự án đã thi công với khối lượng đạt khoảng trên 200 tỷ đồng, số vốn đã bố trí là hơn 226 tỷ đồng (chiếm 54% tổng mức đầu tư). Các hạng mục được đầu tư xây dựng gồm: Nhà hiệu bộ, nhà thư viện, giảng đường A-B, xưởng thực hành, nhà y tế; hạ tầng kỹ thuật: san lấp mặt bằng, đường nội bộ, bãi đỗ xe, cổng tường rào.
Cổng vào dự án trường Đại học Hoa Lư xây dựng rồi bỏ hoang, nhếch nhác.
Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa thể tiếp tục được triển khai. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan, nghiên cứu, thực hiện rà soát lại các hạng mục đầu tư, thực hiện giãn hoãn, cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết; Lựa chọn các hạng mục quan trọng, thiết yếu để tiếp tục tập trung đầu tư dứt điểm”.
Về nguồn vốn đầu tư, ông Thìn cho hay, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho dự án; ngân sách địa phương sẽ huy động các nguồn lực, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn thiện các hạng mục công trình, đưa các hạng mục công trình trên vào bàn giao, sử dụng, qua đó phát huy được hiệu quả đầu tư.
Nhiều hạng mục của dự án chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Về trách nhiệm các sở ngành, đơn vị có nhiệm liên quan đến dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã không đề cập đến trong câu trả lời. Điều này khiến người dân “hụt hẫng” về câu trả lời của lãnh đạo tỉnh về trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan đến dự án trường đại học trăm tỷ dở dang nhiều năm này.
Sau 3 năm, mới đây, ngày 22 và 23/7/2020, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 – 2021) tiến hành kỳ họp thứ 19. Tại kỳ họp này, cử tri tiếp tục “truy” trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự án trường đại học trăm tỷ “đắp chiếu” đến nay đã 10 năm này.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, dự án đầu tư xây dựng trường đại học Hoa Lư đã phê duyệt sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn vay Kho bạc Nhà nước tỉnh và một phần ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Trung ương bị cắt giảm, do vậy đến nay dự án chưa hoàn thành theo quy mô đã phê duyệt.
Dự án trường Đại học đầu tư hàng trăm tỷ đồng bỏ hoang giữa đồng.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cùng với trường Đại học Hoa Lư và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh thu hẹp quy mô có tính đến việc tạo nguồn tại chỗ để đầu tư xây dựng hoàn thành trường trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đảm bảo cơ sở vật chất cho trường đại học Hoa Lư, đáp ứng yêu cầu phát triển theo đề án quy hoạch phát triển trường giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời, đảm bảo tính hợp lý, phù hợp, khả thi, làm cơ sở để UBND tỉnh xem xét, quyết định”, ông Ngọc cho biết thêm.
Các hạng mục xây dựng nửa vời, nằm "đắp chiếu" gần chục năm qua khiến người dân không khỏi xót xa.
Kết thúc câu trả lời vấn đề cử tri quan tâm, vị lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình không hề đề cập đến trách nhiệm liên quan đến dự án trên thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Như vậy, sau nhiều năm với những bức xúc của người dân liên quan đến dự án trường đại học Hoa Lư được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đến nay vẫn đang “đắp chiếu” gây lãng phí số tiền hàng trăm tỷ đồng, người dân Ninh Bình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những người có trách nhiệm đứng đầu tại địa phương.
Khuôn viên dự án biến thành nơi chứa rác thải gây ô nhiễm. Dự án gây lãng phí tài nguyên đất, tiền ngân sách Nhà nước nhưng nhiều năm qua trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án "vẫn chưa thuộc về ai".
-
Ninh Bình: Có hay không "lợi ích nhóm" trong việc tạm dừng đấu giá khu đất “vàng”?
Khu đất “vàng” phía Đông Nhà thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh tại phường Đông Thành, TP. Ninh Bình được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lần đầu tiên vào năm 2009, cuộc đấu giá được xem là thành công nhưng không lâu sau đó lại bị huỷ kết quả đấu giá. Sau 11 năm “phơi sương”, UBND tỉnh Ninh Bình vừa cho phép đấu giá lại. Thế nhưng gần kề ngày đấu giá lại một lần nữa thông báo tạm dừng khiến nhiều người dân không khỏi nghi ngờ có sự khuất tất?
-
Kinh đô đầu tiên của Việt Nam sẽ được nâng tầm lên đô thị loại I
Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
-
Thông tin mới về dự án mở rộng tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn
Dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài hơn 15km, quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
-
Hé lộ 7 doanh nghiệp đang có vi phạm đất đai được tỉnh Ninh Bình
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai danh sách các doanh nghiệp đang có vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đất đai.