19/08/2014 1:52 PM
Từ đầu quý III đến nay, lĩnh vực đất đai nói chung và pháp luật xây dựng nói riêng ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành liên quan. Rất nhiều cá nhân, hộ gia đình ở Thủ đô thực sự vui mừng trước quyết định “cởi trói” cho các thửa đất có diện tích dưới 30m2 vẫn được cấp sổ (Nghị định 43/2014/NĐ-CP). Về phía chủ đầu tư, sự hân hoan cũng đang lan tỏa...

Đặc biệt, sau khi đại diện Sở TN&MT Hà Nội khẳng định Thành phố vẫn cấp sổ đỏ cho dự án nhà ở xây vượt tầng. Chỉ cần không bị buộc cắt ngọn hay phá dỡ, đa phần chủ đầu tư sẵn sàng “chịu đấm ăn xôi” với hình thức phạt hành chính.

Chây ì, phạm luật là “thức thời”?

Về thị trường nhà đất thời hậu sốt nóng, giới chuyên môn và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách quan tâm tới phương án khắc phục đống “tàn tích” để lại (nợ xấu, tồn kho, niềm tin người dân) và kê toa thuốc cho DN BĐS lấy lại sức mạnh, duy trì hoạt động dự án (các gói hỗ trợ tín dụng, miễn/giảm/lùi thời hạn thuế đất…).

Người cần nhà để ở (nhu cầu thực), đơn vị tạo lập địa ốc (chủ đầu tư) thì tìm cách “gần gũi” để chia sẻ khó khăn từng bên. Kết quả sau 2 năm qua: quỹ nhà ở toàn dân được cải thiện đáng kể; bộ ngành và lãnh đạo địa phương có thị trường phát triển mạnh (Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM) phần nào “nhẹ gánh” quản lý với kết quả giảm chỉ số tồn kho, nợ xấu, tuân thủ pháp luật xây dựng đáng ghi nhận…

Đúng như nhiều người trong và ngoài ngành xây dựng đã thừa nhận, thị trường BĐS Việt Nam mới chỉ thoát thai từ… mông muội nên cảnh tranh tối tranh sáng vẫn chưa thể chấm dứt. Điều này vẫn nguyên giá trị, ngay tại thời điểm giới DN BĐS đã được thanh lọc tối đa bằng vô số bộ luật, chế tài từ vĩ mô tới vi mô.

Thoạt nghe, tưởng vô lý. Bởi, lẽ ra sau khó khăn và trả giá nhãn tiền, kinh nghiệm xương máu đã được rút ra. Với DN, đó là tôn chỉ cho sự minh bạch, chấp hành pháp luật (thay vì “đánh võng”, chây ì, trốn tránh trách nhiệm với người mua nhà) mới mong tồn tại trong áp lực cạnh tranh.

Đáng tiếc, hơn 1 năm kể từ thời điểm gói hỗ trợ 30.000 tỷ đi vào cuộc sống, cộng thêm 3 năm từ ngày Nghị quyết 02 ra đời, vẫn còn không ít chủ đầu tư biết cách biến khó khăn thành cơ hội, bằng cách… “đón lõng” chính sách (?)

Minh chứng cho sự thành công (có hoặc không nằm trong toan tính) của DN từ việc chấp nhận xử phạt, sửa sai để mặc nhiên bán hàng là chủ đầu tư công trình 47 Vũ Trọng Phụng và Xí nghiệp Nhà Lai Châu. Lỗi chung của 2 đơn vị này đã được “lên mặt báo” nhiều lần thời gian gần đây là tự ý xây vượt tầng, thay đổi công năng để gia tăng sản phẩm bán (47 Vũ Trọng Phụng), GPXD là 36 tầng nhưng bán cả tầng 40 (Kim Văn - Kim Lũ của Xí nghiệp Nhà Lai Châu).

Mức phạt 600.000 triệu đồng liệu có làm “chùn bước” DN BĐS?

Đỉnh cao là chiêu “thanh tra, xử phạt xong thì đâu lại đóng đấy” được DN Hùng Tiến - Kim Sơn và nhà thầu Vinaconex-Alphanam áp dụng gần… 4 năm qua. Tháng 7/2011, mức phạt hành chính “mạnh tay” nhất được Thanh tra Bộ Xây dựng áp dụng cho chủ đầu tư là nửa tỷ đồng.

Nộp phạt xong, được cấp phép bổ sung, DN tiếp tục “ngựa quen đường cũ”: tự cơ cấu 2.000m2 tầng kỹ thuật thành căn hộ và bán. Nhiều người đã mua và dọn về căn hộ tại đây vốn lo ngại về rủi ro sổ hồng căn hộ (nằm trên phần diện tích xây dựng sai phép), nay đã “thở phào” vì thông tin “Hà Nội sẽ vẫn cấp sổ đỏ cho người mua nhà đồng thời có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư vi phạm”.

Chịu đấm để ăn xôi

Chế tài xử lý sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật xây dựng của cá nhân, DN hoạt động trên địa bàn Thủ đô lâu nay vốn là đề tài “muôn thủơ” của những ai quan tâm, tham gia trực tiếp vào thị trường nhà đất Hà Nội. Kinh điển nhất, phải kể tới hoạt cảnh “siêu mỏng, siêu méo” được ví như cuốn tiểu thuyết chương hồi - tốn rất nhiều giấy mực truyền thông. Việc xử lý những căn nhà với hình thù kỳ quái nhẩn nha bôi bẩn quy hoạch đô thị chưa thể dứt điểm: Giá trị bồi thường khi lấy lại các căn nhà này (siêu mỏng, siêu méo - PV) là quá lớn trong khi TP phải lấy tiền từ ngân sách để trả cho người dân. Tiền này chính là tiền của dân.

Vì vậy, Hà Nội bắt buộc các hộ phải hợp khối mới cho tồn tại. Đó là quan điểm chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu Tp.Hà Nội. Phản hồi chung từ người dân: nếu các hộ không thể (thỏa thuận với nhau) hợp khối, “ứng xử” của Thành phố sẽ ra sao? Tiếp tục cho tồn tại hay thu hồi và đền bù?!

Đó là chuyện cá nhân giữa từng chủ nhân căn hộ với... Thành phố. Còn giữa DN xây, kinh doanh nhà với khách hàng giao dịch, căng thẳng về vấn đề pháp lý chủ đầu tư, sức khỏe dự án (có thể cán đích và cấp sổ cho người mua hay không) đã nhẹ đi trông thấy, dù chỉ trên lý thuyết.

Còn nhớ, năm 2012, xoay quanh chủ điểm “Trách nhiệm của chủ đầu tư về việc cấp sổ đỏ cho dân”, Bộ TN&MT ra công văn hướng dẫn Hà Nội và Tp.HCM đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận nhà đất tại các dự án BĐS.

Theo đó, đối với các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu đang có vướng mắc, vi phạm mà không do lỗi của người mua nhà ở thì phải bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà ở đó (tạm hiểu là cấp sổ). Thậm chí, khi chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý đất đai, đã xây dựng, bàn giao xong nhà ở cho người mua nhưng nhà ở vượt số tầng quy định hoặc thay đổi thiết kế, công năng sử dụng ở một số tầng… thì xem xét cấp giấy chứng nhận trước cho người mua nhà ở tại các căn hộ ở các tầng, lô đất ở đã xây dựng đúng thiết kế, quy hoạch được duyệt.

Tương lai cho khách mua phải “hàng chưa qua kiểm duyệt” (sai phép, vượt tầng) đang tươi sáng hơn: những chủ nhân căn hộ ở các tầng vượt phép, do DN tự cơi nới/thay đổi công năng vẫn sẽ được cấp sổ nếu thông tin do đại diện Sở TN&MT cung cấp được chính thức bằng văn bản.

Vậy là, sau 2 năm, với vô vàn sai phạm, những DN như Hùng Tiến - Kim Sơn đã gần đích cuối cùng của hoạt động tạo lập, kinh doanh Dự án 47 Vũ Trọng Phụng.

Còn chế tài xử phạt, động thái mới nhất từ Sở Xây dựng là đề xuất TP ban hành Nghị quyết “nâng gấp đôi mức xử phạt hành chính” trong lĩnh vực xây dựng so với quy định Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền tối đa được quy định trong hoạt động xây dựng là 1 tỷ đồng, trong kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất kinh doanh VLXD; quản lý phát triển nhà và công sở là 300 triệu đồng.

Nếu tăng gấp đôi, mức tiền phạt 600.000 triệu đồng liệu sẽ làm “chùn bước” các tên tuổi như Xí nghiệp Nhà Lai Châu đang bán căn hộ như đắt “tôm tươi” ở Hà Nội hơn 1 năm qua? Câu trả lời chắc hẳn đã rõ.

Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.