Dự án chung cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Chưa có số liệu thống kê chính thức việc các dự án căn hộ chậm tiến độ xây dựng, nhưng tình trạng này khá nhiều, nhất là trong bối cảnh thị trường căn hộ trầm lắng và nhiều chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thu xếp nổi nguồn tài chính để thực hiện dự án.
Những vụ kiện cáo xung quanh vấn đề này lại rộ lên gần đây, và có thể sẽ còn nhiều vụ nữa xảy ra trong thời gian tới khi nhiều người mua nhà, thay vì âm thầm chịu đựng, bắt đầu lên tiếng để đòi quyền lợi cho mình.
Chẳng hạn như nhóm khách hàng mua căn hộ dự án chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM đang phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư xung quanh chuyện chất lượng căn hộ không như cam kết và việc chi trả tiền lãi do chậm bàn giao nhà. Theo thời hạn cam kết thì chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà vào cuối tháng 9 năm 2009, tuy nhiên mãi đến tháng 4 năm nay nhiều hộ dân mới được bàn giao căn hộ.
Kinh tế khó khăn và ngân hàng thắt chặt tín dụng bất động sản là một trong những lý do chủ đầu tư đưa ra để biện minh cho việc chậm tiến độ công trình. Ngoài ra, nguồn tiền huy động từ khách hàng cũng hạn chế khi có khá nhiều người mua nhà không nộp tiền theo đúng tiến độ hợp đồng.
Chưa hài lòng với cách giải quyết của chủ đầu tư, một số hộ dân tại chung cư này đang nhờ luật sư làm thủ tục khởi kiện chủ đầu tư.
Tương tư như cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1, một số người mua căn hộ dự án khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh, TPHCM cũng đã phản ứng lại cách giải quyết của chủ đầu tư dự án là Công ty Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 khi công ty này đề xuất chuyển công năng khu chung cư này thành bệnh viện.
Đây là dự án gồm hơn 110 căn nhà liên kế và hai khối chung cư với gần 1.000 căn hộ được xây trên lô đất rộng khoảng 53.000 mét vuông do thành phố giao năm 2005.
Với lý do khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho dự án, công ty này đã xin chính quyền thành phố cho phép chuyển đổi dự án trên thành bệnh viện. Điều này đồng nghĩa nhiều người mua căn hộ sẽ không có cơ hội nhận được nhà, thay vào đó sẽ nhận lại số tiền đã mua căn hộ.
Bình luận về viêc này, giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc không muốn nêu tên cho rằng có thể hiểu được sự khó khăn của các chủ đầu tư dự án khi phải xoay xở làm dự án trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không sòng phẳng với khách hàng của mình, những người góp vốn vào dự án nhưng thường bị đẩy họ vào thế yếu.
Trao đổi về vấn đề này, một nhà đầu tư đang ngao ngán với cảnh lỡ mua nhà và nay đang chật vật để lấy lại số tiền đã đầu tư do chủ đầu tư chậm trễ thực hiện dự án.
Chị này cho biết đã góp vốn đầu tư vào dự án nhà ở tại Cần Thơ của một công ty địa ốc khá lớn tại TPHCM. Theo kế hoạch chị sẽ nhận nhà vào năm 2008, tuy nhiên đã hơn ba năm qua số tiếp góp vào dự án đang bị chủ đầu tư chiếm dụng khi dự án chưa hoàn thành và nhà thì chưa thấy đâu.
Quá sốt ruột với khoản đầu tư của mình, chị yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền thì được trả lời hoặc sẽ nhận nhà tại một dự án khác, hoặc sẽ nhận lại tiền trong 12 tháng tới.
Mặc dù hợp đồng có ghi điều khoản phạt trong trường hợp chủ đầu tư chậm thực hiện dự án, nhưng khả năng đòi tiền phạt sẽ ra sao trong khi chị còn đang chật vật để đòi lại số tiền đã góp vào dự án.
Giới quan sát thị trường cho rằng thương hiệu công ty, chất lượng công trình và tiến độ dự án là ba yếu tố quan trọng trong việc thu hút người mua nhà trong tình hình thị trường trầm lắng hiện nay.
Có chuyên gia còn nhận định, trong bối cảnh thị trường nhà ở chung cư còn chưa quen với tập quán sống của người dân thì những tranh chấp liên quan đến chất lượng, phí dịch vụ hay chậm bàn giao nhà đang làm tổn thương đến thị trường, tác động đến tâm lý người mua.