TTCK thế giới hoàn thành tuần tăng điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc một tuần đầy sự kiện.
Lợi nhuận doanh nghiệp, dự luật cải tổ ngành tài chính được thông qua, bình luận từ chủ tịch FED và kết quả kiểm tra ngành ngân hàng châu Âu khiến nhà đầu tư có 1 tuần không thể bận rộn và sôi động hơn.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 100 điểm, tính cả tuần chỉ số tăng 3%.
Chỉ số S&P 500 vượt ngưỡng tâm lý 1.100 điểm lần đầu tiên trong tháng này. Cổ phiếu nhóm ngành công nghiệp kéo S&P 500 tăng điểm.
Đáng chú ý, cổ phiếu General Electric tăng tới 3,8% sau khi tập đoàn công bố tăng cổ tức tới 20%. Lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, GE tăng cổ tức.
Chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương tăng 1% và có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất từ tuần kết thúc ngày 16/04/2010. Chỉ số hiện thấp hơn 8,5% so với mức đỉnh cao của năm thiết lập ngày 15/04/2010.
Tính cả tuần, chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 2,8%. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 6,1%. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 1,1%. Chỉ số S&P/ASX của thị trường Úc tăng 0,8%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 0,2%.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 tăng 3,2% lên 255,97 điểm. Chỉ số hiện hồi phục được 10% so với mức thấp thiết lập ngày 25/05/2010.
George Soros: Chưa phải lúc thắt chặt ngân sách
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nên rút đi kế hoạch kích cầu quá sớm bởi kinh tế chưa đủ mạnh.
Ông nhấn mạnh hiện chưa có dấu hiệu nào về lạm phát tại Mỹ. Lợi tức trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hiện ở dưới mức 3%, mức thấp nhất từ đầu năm 2010 đến nay.
Ông cũng đưa ra quan điểm tương tự đối với các nước châu Âu. Theo ông, việc cắt giảm chi tiêu quá vội vàng sẽ đẩy châu Âu vào vòng xoáy giảm phát.
Theo Soros, kết quả thanh tra ngành ngân hàng châu Âu không phản ảnh đúng sự nghiêm trọng của tình hình bởi những tiêu chí đưa ra trong đợt thanh tra đã không còn hợp thời.”
Ông chỉ trích chính phủ Đức về việc khăng khăng quy định tài khóa khắt khe đối với nhóm nước yếu hơn và cố gắng giảm thâm hụt tài khóa.
Nước Mỹ có luật mới cho ngành tài chính
Ngày thứ Tư, Tổng thống Obama ký thông qua luật cải tổ ngành tài chính với những thay đổi mạnh mẽ nhất từ thời Đại Khủng hoảng 1930, áp dụng mức phí mới và hạn chế đối với một số ngân hàng lớn nhất, thị trường phái sinh 450 nghìn tỷ USD; lập ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đối với sản phẩm thế chấp và thẻ tín dụng.
Châu Âu hoàn thành kiểm tra “sức khỏe” các ngân hàng
Theo Ủy ban giám sát ngành ngân hàng châu Âu (CEBS), 7/91 ngân hàng châu Âu thất bại trong đợt kiểm tra các ngân hàng sẽ cần tăng vốn thêm 3,5 tỷ euro tương đương 4,5 tỷ USD.
7 ngân hàng thất bại bao gồm 5 ngân hàng Tây Ban Nha, ngân hàng Hypo Real Estate của Đức và ngân hàng ATE của Hy Lạp theo tính toán không thể duy trì được tỷ lệ vốn cấp 1 trên mức 6% theo kịch bản xấu nhất được đưa ra.
Tất cả các ngân hàng khu vực của Đức và ngân hàng lớn tại châu Âu đều vượt qua đợt kiểm tra.
Chủ tịch FED sẵn sàng hành động nếu kinh tế suy yếu
Ngày thứ Năm, chủ tịch FED nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương sẽ đưa ra biện pháp ứng phó ngay khi cần để giúp kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng nếu sự suy yếu xảy ra. Ngày thứ Tư, chủ tịch FED tuyên bố triển vọng kinh tế Mỹ không chắc chắn và FED sẽ sẵn sàng đưa ra thêm biện pháp nếu tăng trưởng thấp hơn dự đoán.
IMF: Khủng hoảng tài khóa châu Âu sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài
IMF cảnh báo khủng hoảng đã tạo ra nhiều rủi ro đi xuống và khả năng tiếp tục phải can thiệp vào thị trường không thể được loại bỏ.
IMF cảnh báo khủng hoảng tài khóa tại châu Âu đe dọa đà phục hồi của kinh tế khu vực này và sẽ có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài.
Sự hồi phục của kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu, chủ yếu nhờ nhu cầu từ bên ngoài, nhiều khả năng sẽ chậm trong ngắn hạn bởi thị trường hết sức căng thẳng với những rủi ro từ bên ngoài.
IMF nhận xét: “ Trong trung hạn, nhu cầu củng cố lại tài khóa và sự cứng nhắc về cấu trúc sẽ ảnh hưởng xấu đến khu vực đồng tiền chung châu Âu, dẫn dến thất nghiệp kéo dài và đầu tư đi xuống.”
Chủ sở hữu nhà ở thất nghiệp tại Mỹ sẽ được hỗ trợ
Theo luật mới dành cho ngành tài chính Mỹ, chủ sở hữu nhà ở đang thất nghiệp gặp khó khăn trong chi trả tiền thế chấp sẽ được hỗ trợ.
Dù Cơ quan phát triển nhà đất và đô thị Mỹ chưa công bố chi tiết chương trình 1 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho chủ sở hữu nhà ở sẽ được thực hiện ra sao nhưng theo quy định, chương trình sẽ được khởi động ngày 01/10/2010.
Người Mỹ thất nghiệp trong dài hạn sẽ lại được nhận được hỗ trợ
Người Mỹ thất nghiệp dài hạn, sau thời gian bị cắt trợ cấp, sẽ tiếp tục nhận được tiền hỗ trợ.
Ngày thứ Năm, Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận/phiếu chống đạt 272/152 để chấp thuận kéo dài chương trình hỗ trợ người thất nghiệp đến cuối tháng 11/2010 với chi phí khoảng 34 tỷ USD.
100 ngân hàng Mỹ đã sụp đổ
Số lượng các ngân hàng Mỹ sụp đổ trong năm 2010 đã vượt mức 100.
Tốc độ ngân hàng Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010 như vậy cao hơn so với năm 2009 khi đó 140 ngân hàng đóng cửa trong bối cảnh suy thoái kinh tế và thua lỗ các khoản vay tăng cao.
Con số ngân hàng bị đóng cửa như trên cao nhất từ năm 1992 ở thời điểm đỉnh cao của khủng hoảng tiết kiệm.
Việc các ngân hàng đóng cửa ồ ạt đã khiến Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) thiệt hại hàng tỷ USD. Đến cuối tháng 3/2010, ngân sách FDIC thâm hụt 20,7 tỷ USD.
Danh sách ngân hàng thuộc diện có vấn đề theo tính toán của FDIC hết quý 1 đã lên mức 775.
Chi phí giải quyết vụ việc liên quan đến sự sụp đổ của các ngân hàng từ năm 2010 đến năm 2014 có thể lên tới 60 tỷ USD.
Ngành công nghệ thế giới “nóng” với kết quả kinh doanh của Apple và Microsoft
“Tín đồ” công nghệ thế giới vui mừng, Apple “hớn hở”, phần lớn ngành công nghệ thế giới vui mừng với lợi nhuận quý vừa qua của Apple và việc các sản phẩm nổi tiếng của Apple như iPhone, iPad và iPod bán chạy.
iPhone vẫn là sản phẩm được bán chạy nhất của Apple. Apple thu được 5,33 tỷ USD từ việc bán ra 8,4 triệu sản phẩm.
Thế nhưng đối thủ của Apple không khỏi lo lắng. Lợi nhuận ròng quý 2/2010 của Nokia giảm tới 40% do hãng để mất thị phần điện thoại thông minh vào tay Google, RIM, Apple…
Microsoft, hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới, công bố doanh thu bán hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi, người tiêu dùng đẩy mạnh mua máy tính sử dụng hệ điều hành Windows.
Cafeland.vn - theo cafef.