03/09/2012 12:44 PM
Tuần qua, HĐND TPHCM đã thực hiện chương trình giám sát về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn 6 quận, huyện và 4 sở ngành. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP đi theo đoàn: trong công tác này, nổi lên các tồn tại sau:

Lô C-D Dự án Khu tái định cư An Phú - An Khánh (quận 2) đang xây dựng. Ảnh: Kim Ngân

Mặc dù đã được đền bù theo giá thị trường nhưng phản ánh chung từ các quận, huyện cho thấy giá đền bù về nhà, đất cho người dân vẫn chưa cao, đặc biệt là giá đất nông nghiệp thuần. Đại diện quận Bình Tân, huyện Nhà Bè cho biết nhiều người dân bức xúc về vấn đề này và chính quyền gặp rất nhiều khó khăn trong đền bù đối với đất nông nghiệp thuần.

Đại diện quận Bình Thạnh phản ánh một thực tế khác, đó là đa phần người dân đủ điều kiện để được đền bù đầy đủ về nhà, đất đồng thuận với chính sách bồi thường của địa phương. Các hộ không đồng thuận với chính sách bồi thường, phần lớn là những hộ dân chưa đủ điều kiện để được bồi thường về nhà đất.

Chất lượng nhà tái định cư chưa đồng đều. Bên cạnh những chung cư được xây dựng tốt còn có không ít nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng, đường giao thông không thuận tiện. Cuộc sống mới của người dân ở nơi tái định cư thường không cao hơn so với nơi ở cũ. Phần vì họ phải tốn thêm nhiều chi phí để tạo dựng cuộc sống mới, phần vì họ phải thêm chi phí đi lại, đưa đón con đi học do nơi ở mới thường cách xa nơi làm việc, nơi đi học cũ của con họ và bản thân họ.

Hơn nữa, từ khi áp dụng chính sách bồi thường theo giá thị trường, chỉ có khoảng 30% hộ dân chọn tái định cư theo chính sách của Nhà nước (70% còn lại tự mua nhà, đất mới theo sở thích). Đa phần nhà, đất của các hộ dân này lại có nguồn gốc không hợp pháp: nhà xây dựng trái phép, đất lấn chiếm… Tiền bồi thường họ nhận được thường không cao. Cuộc sống trong nơi tái định cư vì thế khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Công tác đào tạo nghề, tìm việc làm, hỗ trợ học bổng cho con em các gia đình phải di dời, giải tỏa được các quận, huyện làm khá tốt. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn so với yêu cầu. Mới có khoảng 15% - 20% người dân được chính quyền hỗ trợ tìm được việc làm mới phù hợp. Những người còn lại, đa phần là những nông dân lớn tuổi, phải từ bỏ ruộng đồng để chuyển sang nghề mới ở tuổi xế chiều, họ không thích nghi được. Thậm chí, họ còn không thể theo học được các khóa đào tạo nghề mới.

Theo nhiều quận, huyện, đây là một trong những khó khăn chính trong việc tổ chức, tạo lập cuộc sống mới cho người dân bị giải tỏa, nhất là những người dân ở các khu vực thuần nông trước kia, nay đất nông nghiệp đã chuyển sang đất công nghiệp và người nông dân không thể thay đổi kịp.

Việc đóng góp vào quỹ đào tạo, dạy nghề cho người dân bị giải tỏa của các chủ đầu tư không đều. Còn có không ít chủ đầu tư cố tình trốn tránh trách nhiệm này. Theo quận Bình Thạnh, nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy định rõ, việc đóng góp là nghĩa vụ hay chỉ là… tùy tâm. Các sở, ngành có chức năng cần nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh quy định này để các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ cho người bị giải tỏa.

Công tác hỗ trợ từ phía chính quyền, đoàn thể nơi ở mới đối với người tái định cư mới chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ giải quyết một số thủ tục hành chính thông thường, thiếu sự quan tâm, hỗ trợ các nhu cầu khác của cuộc sống.

  • Ưu tiên quỹ nền đất bố trí tái định cư thuộc các dự án trọng điểm, cấp bách

Đó là chỉ đạo mới đây của UBND TP với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP và UBND các quận - huyện. Theo đó, TP yêu cầu ưu tiên quỹ nền đất đã có hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận từ các dự án có nghĩa vụ bồi thường, hoán đổi đất do nhà nước trực tiếp quản lý để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc các dự án trọng điểm, cấp bách, công ích đang triển khai trên địa bàn. TP giao Sở Xây dựng điều phối quỹ nền đất nói trên để tái định cư cho các dự án khác hoặc tổ chức bán đấu giá theo quy định nếu UBND các quận - huyện không còn nhu cầu sử dụng.

H.Anh

Theo Sơn Lam (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.