26/10/2017 11:44 AM
CafeLand – Sau những trận mưa lớn, không ít con đường ở Sài Gòn bỗng dưng biến thành sông. Ngập lụt cộng với tắc nghẽn giao thông là nỗi ám ảnh với bất cứ ai. Bạn có dám mua nhà trên những cung đường này?

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập nặng sau mưa

Điểm mặt những cung đường hễ mưa là ngập

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đoạn kéo dài từ chân cầu Sài Gòn đến gần cầu Thủ Thiêm là một trong những cung đường nổi tiếng nhất về ngập. Cứ sau mỗi trận mưa là con đường này biến thành sông, nước dâng cao và rất khó thoát.

Đoạn đường này trở thành ác mộng với mọi phương tiện qua đây, nước ngập sâu di chuyển khó khăn, xe cộ hư hỏng. Nằm ở cữa ngỏ ra vào trung tâm thành phố, lại đang phải “gồng gánh” hàng chục khối chung cư đang thi nhau mọc lên khiến tình trạng ngập của cung đường thêm trầm trọng.

Lãnh đạo TP.HCM suốt nhiều năm qua cũng đau đầu tìm “thuốc chữa” cho đoạn đường trên nhưng đến nay vẫn chưa cho một biện pháp triệt để nào. Mới đây, giải pháp thuê máy bơm khổng lồ để hút nước đã có ít nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, nó cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia.

Trong trận mưa lớn chiều ngày 17/10, mặc dù có siêu máy bơm nhưng đường Nguyễn Hữu Cãnh vẫn tiếp diễn điệp khúc “ngập lụt”. Máy bơm sau đó cũng phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra.

Cũng tại quận Bình Thạnh, các con đường khác như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Xí, đường D2, Ung Binh Khiêm…. cũng thường xuyên ngập lụt sau mưa. Đặc điểm chung của các tuyến đường này là mật độ phương tiện giao thông lơn, và là nơi cát cứ của nhiều dự án bất động sản.

Ví dụ, đường Nguyễn Xí đoạn từ cầu Đỏ tới giao lộ Đinh Bộ Lĩnh dù chỉ một đoạn ngắn nhưng có hàng chục khối nhà chung cư thuộc các dự án Saigon Res, chung cư Thủy Lợi, dự án chung cư Richmon City đang xây dựng…

Tại quận Thủ Đức, những cung đường ngập đến trôi xe sau cơn mưa có thể kể đến là Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Linh Đông, Đặng Văn Bi… thậm chí nhiều đoạn của đại lộ Phạm Văn Đồng cũng bị ngập khi có mưa lớn.

Tại quận 9, nơi đang có tốc độ phát triển dự án bất động sản chóng mặt cũng xuất hiện nhiều cung đường ngập nặng sau mưa như Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Xiển, Nguyễn Cư Trinh… Đường Đỗ Xuân Hợp tuy được cải tạo và nâng cấp nhưng vẫn ngập như thường. Cung đường này đang phát triển dày đặc dự án của các nhà đầu tư như Nam Long, NovaLand, Gia Hòa,…

Tại quận Bình Tân, Tân Phú những cung đường ngập sau mưa liên tục là Lũy Bán Bích, đường Kinh Dương Vương (đoạn trước bến xe miền Tây), Hồ Ngọc Lãm, Khuông Việt…

Danh sách “rốn ngập” tại TP.HCM còn kéo dài với hàng loạt tuyến đường như Phạm Phú Thứ, Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc (quận Tân Bình), Hòa Bình (quận 11), đoạn cầu Tân Hóa, Hậu Giang (quận 6), bến Bình Đông (quận 8), đường Lương Định Của (quận 2), đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7)….

Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, hiện trên địa bàn có khoảng 40 tuyến đường bị ngập nước. Trong đó, 14 tuyến đường thường xuyên bị ngập khi mưa và 21 tuyến ít ngập. 21 tuyến đường này đã được xử lý ngập bằng các giải pháp cấp bách trước đây, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện ngập khi mưa vượt tần suất (85,36mm cống cấp 2; 75,88mm cống cấp 3, mực nước triều +1,32m).

Thời điểm tốt để xem nhà?

Tầng hầm giữ xe tại nhiều chung cư trở thành "bể bơi" sau những trận mưa lớn

Mưa ngập khiến ai cũng khó chịu, nhưng với những người đang có ý định mua nhà thì đây lại là cơ hội vàng để xem “bộ mặt” thật của dự án. Nếu chỉ nghe những lời quảng cáo hoa mỹ của môi giới, hay chọn đi xem nhà vào một ngày nắng ráo thì có thể bạn đã bị đánh lừa.

Chị Minh, chủ căn hộ chung cư trên đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) chia sẻ, lúc đầu chị mua nhà thấy vị trí dự án khá đẹp, các con đường phía trước cũng được đổ nhựa bài bản nên chị rất yên tâm. Tuy nhiên, khi mùa mưa đến thì chung cư biến thành một ốc đảo vì xum quanh đều chìm ngập nước. Ngán nhất đó là tình trạng mưa lớn kèo dài nhiều ngày khiến cho nước úng đọng bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đên sức khỏe. Mưa ngập đường nên muốn đi đâu cũng khó khăn, đặc biệt đối với xe máy rất dễ bị hư hỏng khi vào nước.

Anh Hoàng, một môi giới bất động sản tại quận Bình Thạnh cho biết, anh đã có không ít giao dịch bể kèo vào phút chót chỉ sau một trận mưa lớn. “Lúc đầu khách hàng đã đồng ý mua căn hộ. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cảnh ngập úng, kẹt xe của con đường trước mặt dự án họ đã thay đổi quyết định”, anh Hoàng nói.

Mỗi khi trời mưa lớn, những cư dân đang sinh sống tại chung cư Khang Gia trên đường Phan Huy Ích (Gò Vấp) lại thấp thỏm lo sợ. Cho đến bây giờ, họ vẫn không thể quên trận mưa lớn vào năm 2015 đã nhấn chìm toàn bộ hầm giữ xe của chung cư. Vụ ngập không chỉ gây hư hỏng cho hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy mà khiến hệ thống thang máy bị tê liệt.

“Không chỉ hư hại tài sản, nước mưa từ cống rãnh, kéo rác từ ngoài vào ứ đọng lâu ngày khiến mất vệ sinh, bốc mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe”, một cư dân Khang Gia than thở.

Câu chuyện của Khang Gia xảy ra tương tự tại nhiều chung cư, cao ốc khác khắp TP.HCM sau mỗi cơn mưa.

Để tránh rơi vào hoàn cảnh “éo le”, kinh nghiệm cho người mua nhà nên tìm hiểu kỹ càng tình trạng của dự án, nên chịu khó đi “thị sát” dự án sau mỗi trận mưa lớn. Cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của người dân sinh sống tại khu vực đó để biết rõ hơn về mức độ ngập nước khi mưa của con đường.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.