Người viết bài này là GS Sử học Niall Ferguson của ĐH Havard. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Với những ai lần đầu làm quen với môn khoa học buồn thảm mang tên kinh tế học vào cuối những năm 70, đầu những năm 80, không lời nào diễn tả tốt hơn cuộc tranh luận về chính sách tài khóa hiện nay bằng ba chữ, đáng thất vọng.
Người ta nói nhà Bourbon chẳng quên cái gì nhưng cũng chẳng học được điều gì. Điều tương tự cũng đúng với những người theo Keynes hiện nay. Họ không thể và sẽ không bao giờ quên những sai lầm chính sách ở Mỹ những năm 30.
Nhưng có vẻ như họ chẳng tiếp thu được thêm lý thuyết kinh tế mới nào kể từ ngày cuốn kinh thánh mang tên Lý thuyết chung về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ của họ được xuất bản năm 1936.
Cuộc tranh luận có cái gì đó thật châm biếm.
Phái Keynes vốn bị ám ảnh bởi bóng ma của thời đại Herbert Hoover cảnh báo rằng nước Mỹ vẫn chấp chới bên bờ vực Đại suy thoái.
Không gì dễ biến điều đó thành hiện thực hơn thắt chặt chính sách tài khóa quá sớm. Đó là sai lầm Franklin Roosevelt đã mắc phải sau cuộc bầu cử 1936. Thay vào đó, cần phải kích thích hơn nữa.
Phe chống Keynes vặn lại rằng chính sách tài khóa của Mỹ vốn đã không bền vững. Thâm hụt đã vượt 10% GDP.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cảnh báo rằng theo Kịch bản tài khóa thay thế, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn trong hai kịch bản họ đưa ra, nợ liên bang do khu vực công nắm giữ sẽ tăng từ 62% lên 90% trước năm 2021.
Trong một nghiên cứu gây tiếng vang xuất bản đầu năm nay, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff cảnh báo rằng nợ trên 90% GDP có xu hướng dẫn tới tăng trưởng thấp và lạm phát cao.
Lợi suất trái phiếu 10 năm vẫn xấp xỉ 3%, rõ ràng không mấy người lo ngại lạm phát! – phái theo Keynes phản pháo.
Phe chống Keynes chỉ ra rằng còn lâu bán tháo trên thị trường trái phiếu mới ít dần. Chỉ cần một mẩu tin xấu như hạ mức xếp hạng tín dụng sẽ khởi động một đợt bán tháo ngay.
Và các nhà đầu tư trái phiếu không chỉ ngại mỗi lạm phát. 47% nợ liên bang của Mỹ do nước ngoài nắm giữ và họ cũng lo ngại về một kiểu vỡ nợ nào đó trong tương lai.
Phe theo Keynes cho rằng “cảnh sát trái phiếu” chỉ là tưởng tượng.
Phe chống Keynes (đáng chú ý có GS kinh tế Havard Robert Barro) nói số nhân chi tiêu phe Keynes cho rằng sẽ kích thích tổng cầu lớn hơn quy mô gói kích thích mới là tưởng tượng. Ngược lại, thâm hụt quá cỡ đang làm sứt mẻ niềm tin kinh doanh, đặc biệt là vì nó ám chỉ thuế sẽ tăng trong tương lai.
Họ cứ thế, cứ thế tranh luận, trong cái hầm hập điên cuồng của mùa hè và trong sự hoan hỉ của giới truyền thông tài chính.
Đương nhiên, theo một cách nào đó thì đó không hoàn toàn là những lập luận của kinh tế học. Sử học cũng có tiếng nói riêng của mình.
Khi Franklin Roosevelt nhậm chức Tổng thống năm 1933, thâm hụt ngân sách là 4,7% GDP. Con số này lên tới đỉnh điểm là 5,4% GDP năm 1934. Nợ liên bang chỉ tăng nhẹ từ 40 lên 45% GDP trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ.
Mỹ cũng như tất cả các bên tham chiến khác đều mạnh tay mở rộng chính sách tài khóa theo đúng cái cách chúng ta đã thấy kể từ năm 2007.
Vì thế những gì chúng ta chứng kiến ngày nay giống thập niên 40 hơn là thập niên 30: một nền tài chính thời chiến mà lại thiếu mất chiến tranh.
Nhưng sự khác biệt rất lớn.
Thứ nhất, Mỹ tài trợ cho thâm hụt khổng lồ thời chiến nhờ tiết kiệm nội địa bằng cách bán trái phiếu chiến tranh.
Thứ hai, nền kinh tế thời chiến về cơ bản là đóng, vì thế gói kích thích tài khóa không bị rò rỉ.
Thứ ba, nền kinh tế thời chiến đạt trạng thái toàn dụng lao động, phải áp đặt mọi hình thức kiểm soát lên khu vực tư nhân để ngăn chặn lạm phát.
Ngày nay nước Mỹ phụ thuộc nặng nề vào các chủ nợ nước ngoài, đáng chú ý có đối thủ chiến lược Trung Quốc (đang nắm giữ 11% trái phiếu chính phủ Mỹ).
Nền kinh tế lại mở cửa nên gói kích thích của Mỹ rút cục lại làm lợi cho nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Nền kinh tế cũng đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng khiến giảm phát còn đáng lo ngại hơn lạm phát.
Những kết hợp kiểu như thế đã từng tồn tại chưa? Chắc chắn là có rồi.
Từ lâu trước khi Keynes ra đời, các chính phủ yếu kém ở những nước như Argentina hay Venezuela từng thử thâm hụt lớn ở thời bình để xem có cách nào không phải đưa ra các lựa chọn khó khăn hay không.
Thử nghiệm của họ chỉ có hai kết cục. Hoặc chủ nợ nước ngoài mất tiền vì vỡ nợ. Hoặc chủ nợ trong nước mất tiền vì lạm phát.
Khi nền kinh tế tăng trưởng khó khăn, điều đó có thể đến muộn hơn. Nhưng kiểu gì thì cũng tới lúc tiền NHTW in ra sẽ làm kỳ vọng lạm phát tăng mạnh.
Năm 1981, nhà kinh tế Mỹ Thomas Sargent đã viết một tham luận có tên “Sự kết thúc của bốn kiểu lạm phát lớn”. Nhiều người cho rằng đó là dấu chấm hết cho kỷ nguyên Keynes.
Các chính phủ phương Tây đã khám phá ra rằng thâm hụt ngân sách có thể cứu họ. Thất nghiệp tăng và lạm phát ở mức hai con số cần phải có những biện pháp quyết liệt.
Hãy nhớ lại Trung Âu những năm 20 khi bùng nổ vay nợ do chiến tranh, GS Sargent nói thẳng rằng cần một sự “thay đổi chế độ” để mang lại bình ổn, vì chỉ có thể mới đủ làm biến đổi kỳ vọng lạm phát.
Những nhà kinh tế thích ví niềm tin với một “nàng tiên” tưởng tượng như columnist Paul Krugman của tờ New York Times đã không học được gì từ hàng thập kỷ nghiên cứu kinh tế về thuyết kỳ vọng.
Họ thậm chí cũng chẳng buồn quan tâm tới chuyện thắng lợi lớn về mặt học thuật trong cuộc khủng hoảng này thuộc về những người đề xướng kinh tế học hành vi, theo đó sự lên xuống của tâm lý con người mới quan trọng.
Khảo sát ở cả hai bờ Đại Tây Dương cung cấp những bằng chứng rất rõ ràng. Dân chúng lo ngại về mức thâm hụt kiểu thời chiến khi mà chẳng có cuộc chiến nào đang diễn ra.
Theo một bình chọn gần đây trên tờ Financial Times, 45% người Mỹ “nghĩ có lẽ chính phủ sẽ không thể thực hiện được các cam kết tài chính trong vòng 10 năm tới”. Khảo sát niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng cho thấy một bức tranh u ám tương tự.
Liều thuốc cho những sợ hãi ấy phải là một kiểu “thay đổi chế độ” như GS Sargent đã nhận diện 30 năm trước và cũng là điều Thatcher và Reagan đã áp dụng thành công.
Vì thế, lựa chọn hôm nay không phải là giữa kích thích hay thắt chặt. Đó là lựa chọn giữa chính sách khơi dậy niềm tin nơi khu vực tư nhân và chính sách sẽ bóp chết nó.
Theo FT