75% số vụ án liên quan đến đất đai
Số liệu từ ngành tòa án cho thấy, có hơn 60% đơn thư khiếu nại, tố cáo từ năm 2013 đến nay là liên quan đến đất đai. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục, từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% vào năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Toà án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thực tế các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng; động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước.
Đất đai là một nguồn lực quan trọng đối với mỗi quốc gia
Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai là do những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...). Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tại Hội thảo “Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam” do Trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức mới đây, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng: Khung khổ thể chế đang có nhiều lỗ hổng, khung khổ chính sách thì có nhiều xung đột lợi ích, công cụ điều tiết thị trường yếu, nguồn cung của thị trường bất động sản bị thao túng. Vì thế đầu cơ đất đai và tham nhũng có cơ hội nảy sinh.
Pháp lý còn nhiều lỗ hổng
Tham luận tại hội thảo của NEU, TS. Hoàng Kim Huyền và bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã chỉ ra 5 xung đột lợi ích trầm trọng, tạo cơ hội thao túng nguồn cung, tham nhũng tiêu cực “có đất diễn”.
Thứ nhất, UBND cấp tỉnh, huyện vừa được quyền phê duyệt vừa thay đổi, bổ sung quy hoạch nhưng không phải chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm công bố khi thay đổi, bổ sung quy hoạch.
Thứ hai, UBND có quyền lực quá lớn khi vừa được quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất vừa được quyền lựa chọn nhà thầu dự án. Mục đích sử dụng đất được chuyển đổi sẽ tạo ra sự thay đổi giá trị sử dụng đất rất lớn nhưng giá đất không theo thị trường, lại thêm thông tin không minh bạch đã tạo cơ hội cho đầu cơ, các giao dịch ngầm phát triển.
Thứ ba, chính quyền vừa được quyền phê duyệt thay đổi quy hoạch mục đích sử dụng đất, vừa được phép thực hiện thay đổi quy hoạch (quy hoạch do chính họ phê duyệt) trong nhiệm kỳ.
Thứ tư, thiếu sự giám sát độc lập, không bắt buộc trách nhiệm giải trình trong quyết định thay đổi quy hoạch. Việc chưa coi quy hoạch như pháp lệnh khiến vi phạm quy hoạch làm một phần lớn giá trị tạo ra từ thị trường quyền sử dụng đất rơi vào nhóm lợi ích nhỏ, tạo nên bất bình đẳng, gia tăng mâu thuẫn xã hội và chênh lệch giàu nghèo. Thêm vào đó, thiếu vắng trách nhiệm giải trình tại mọi cấp quản lý nên không giải quyết tận gốc việc phê duyệt quy hoạch kém chất lượng, vi phạm quy hoạch và hợp pháp hóa các vi phạm quy hoạch của doanh nghiệp, cá nhân và các cấp quản lý chính quyền.
Thứ năm, chính quyền vừa được quyền thay đổi giá trị tài nguyên đất, vừa quyết định giá và 100% nguồn thu từ các quyết định này để lại cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, cơ chế điều tiết giá còn nhiều bất cập. Cơ quan có thẩm quyền về điều tiết cung cầu với quyền sử dụng đất đồng thời cũng có tiếng nói quyết định trong xác định giá trên thị trường này. Xác định khung giá trên thị trường quyền sử dụng đất là căn cứ để thu thuế, bán đất công cho khu vực tư nhân… Việc này tạo ra kẽ hở tham nhũng chính sách trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là minh bạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư công có liên quan.
Phân tán quyền lực là giải pháp
Khi trao đổi về đất đai - kẽ hở - tiêu cực và tham nhũng, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. “Phải phân công lại chức năng quản lý của các bộ về đất đai trên nguyên tắc phân tán quyền lực với hai việc cần làm”, GS. Đặng Hùng Võ nêu giải pháp.
Việc thứ nhất là chức năng quyết định về đất đai vẫn do UBND cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện, nhưng chức năng quản lý đất đai nên giao cho một cơ quan trung ương quản lý theo ngành dọc, có thể là Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường).
Việc thứ hai là tổ chức kiểm soát quyền lực thật tốt đối với cả hai chức năng này. Cách thức kiểm soát quyền lực thường thấy ở các nước là phân tán quyền lực, không để tập trung quyền lực ở một cơ quan nhà nước và áp dụng quản trị với sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước gắn với công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Theo tầm quan trọng của đất đai, cần chuyển chức năng quản lý tài chính đất đai về Bộ Tài chính, quyền quyết định cụ thể thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện như hiện nay. Còn quy hoạch sử dụng đất, sử dụng biển nên giao về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục quản lý đất đai) chỉ thực hiện quản lý hành chính theo ngành dọc đối với đất (đăng ký đất đai, lập hệ thống hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá về quản lý và sử dụng đất đai, quản lý việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai)…
“Tất cả những nước đang phát triển thành công nhờ khai thác vốn tiềm ẩn trong đất đai, đưa nó vào thị trường và dùng nó vào cho đầu tư, phát triển. Thực tế đã chứng minh, ai làm tốt điều này thì đất nước đó giàu có, đất nước đó thịnh vượng, phát triển”, GS. Đặng Hùng Võ kết luận.
-
Vì sao quan chức vướng vòng lao lý liên quan đến đất vàng công sản?
Những vụ án lớn liên quan đến đất đai như Phan Văn Anh Vũ và UBND Đà Nẵng, TP.HCM hay Thủ Thiêm… đều thể hiện sự lệch lạc về giá trị đất đai phía sau các quyết định của cán bộ có thẩm quyền - ông Đặng Hùng Võ cho hay.
-
Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?
UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
-
Hạn chót báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo về Luật đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng ấn định thời hạn Bộ TN&MT phải trình lên dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1/4, trong đó báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Theo thống kê của Bộ TN&MT, cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến đóng góp của người dân....
-
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần
HoREA đề xuất không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.