Là một trong những nền kinh tế năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai đã và đang đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Góp phần quan trọng trong sự phát triển đó là mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư mở rộng.
Theo dự thảo quy hoạch Đồng Nai từ nay đến năm 2030, mạng lưới hạ tầng giao thông của Đồng Nai sẽ còn được nâng tầm với hàng loạt dự án trọng điểm mang tầm quốc gia.
2 sân bay
Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu khách một năm đã được khởi công từ tháng 1/2021. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam với công suất lên đến 100 triệu lượt khách một năm.
Theo thông tin mới nhất, trong tháng 8/2023, sẽ khởi công hạng mục nhà ga sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư 35.000 tỉ đồng. Vượt qua nhiều ứng viên, hiện liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu đã vượt qua vòng kỹ thuật.
Dự kiến, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2026. Bên cạnh sân bay Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa cũng sẽ đóng vai trò kết nối địa phương này với các tỉnh thành trong nước.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai
3 cao tốc
Trên địa bàn Đồng Nai hiện đã và đang có 3 tuyến cao tốc được triển khai gồm:
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm các đoạn Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài gần 100km, trong đó đoạn qua Đông Nai dài 52km. Dự án này đã được thông xe vào tháng 4/2023; đoạn TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài hơn 55km đã thông xe từ năm 2015; đoạn Bến Lức – Long Thành tổng chiều dài 58km hiện đang thi công.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết Đồng Nai với Lâm Đồng có chiều dài 220km được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, hai dự án thành phần sẽ được khởi công vào tháng 9/2023 gồm Tân Phú – Bảo Lộc (66km) và Bảo Lộc – Liên Khương (73,9km).
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối Đồng Nai với Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng chiều dài 54km, vốn đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng. Dự án khởi công vào tháng 6/2023 và dự kiến khai thác năm 2026.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa được thông xe
2 tuyến đường Vành đai
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 90km kết nối 4 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Trong đó đoạn qua Đồng Nai dài 11,26km. Dự án đã được khởi công vào tháng 6/2023, dự kiến đi vào khai thác năm 2026.
Vành đai 4 có tổng chiều dài 200km kết nối 5 tỉnh thành gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 45km với điểm đầu tuyến nằm ở huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến ở huyện Vĩnh Cửu.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thông nhất lộ trình triển khai dự án Vanh đai 4 đoạn qua địa bàn. Theo đó, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dự án này từ quý 1/2028.
4 tuyến đường sắt
Đường sắt Bắc – Nam sẽ được nâng cấp hiện đại hóa đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I, đường đôi khổ 1.000 mm, vận tốc bình quân đạt 80-90 km/h với tàu khách và 50- 60 km/h đối với tàu hàng.
Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài khoảng 84km. Ngoài ra, đề xuất mở mới khoảng 11km đoạn đường sắt từ đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vào Cảng Phước An phục vụ hàng hóa ra vào cảng.
Đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang dài 366km, bắt đầu từ ga Thủ Thiêm (TP.HCM) đi song song về bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, sau đó chạy song song bên phải tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, kết thúc tại ga Nha Trang (Khánh Hòa).
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Quốc tế Long Thành dài 37,5km bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, đi song song cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Nha Trang đến Vành đai 3 kết nối với ĐT.25B vào hướng sân bay Long Thành.
Cảng biển
Ngoài cảng Cái Mép – Thị Vải, trong những năm tới Đồng Nai sẽ quy hoạch Khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có khả năng đón tàu từ 30.000 – 60.000 tấn. Những cảng này sẽ có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Tăng cường kết nối “láng giềng”
Ngoài các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia trên địa bàn, trong những năm tới Đồng Nai cũng dự kiến bổ sung nhiều dự án kết nối với các địa phương liền kề ngoài các tuyến đã hiện hữu.
Với TP.HCM, đề xuất thêm dự án cầu Phú Mỹ 2 kết nối Đường 25C (ĐT.769F) với đường Huỳnh Tấn Phát – Quận 7 (TP.HCM). Dự án cầu Đồng Nai 2 nối ĐT.777B với đường vành Đai 3 phía TP.HCM. Dự án cầu Cát Lái ngay tại vị trí phà Cát Lái hiện hữu.
Với Bình Dương bổ sung 5 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: Cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An – Lạc An, cầu Tân Hiền – Thường Tân, cầu Thạnh Hội 2, cầu Xóm Lá kết hợp Đường Phạm Văn Diêu kết nối trực tiếp tỉnh Bình Dương với sân Bay Biên Hòa.
Với Bình Phước thông qua tuyến Vành Đai 4 và tuyến Đồng Phú-Bình Dương kết nối lên phía quốc lộ 14.
Với tỉnh Lâm Đồng đề xuất xây thêm cầu Đắc Lua 2 bắc qua sông Đồng Nai tại xã Đắc Lua huyện Tân Phú với xã Đức Phổ huyện Cát Tiên; Cầu Đạ Tẻh bắc qua thượng nguồn nhánh sông Đồng Nai nối đường Trường Sơn Đông (phía Lâm Đồng) với Tà Lài-Trà cổ (ĐT.774 phía Đồng Nai).
Với tỉnh Bình Thuận đề xuất nâng cấp các kết nối hiện hữu gồm ĐT.774 (30/4); ĐT. 775 (Cao Cang) và ĐT.766 đến năm 2030 nêm cấp tuyến đạt tối thiểu 4 làn xe.
Với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường ĐH. Phước Bình-Bàu Cạn; Đường khu công nghiệp sinh học (Đồng Nai) kết nối với đường ĐT.995C tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Đường ĐH.21, ĐH.22, ĐH.24, ĐH.25B, ĐH.29C của Bà Rịa-Vũng Tàu kết nối với ĐT.764 và ĐT.765B phía Đồng Nai.
-
Cận cảnh khu vực sẽ trở thành đô thị, trung tâm hành chính mới của Đồng Nai
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 300ha sau khi được chuyển đổi chức năng sẽ dành 44ha để xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai, phần còn lại dự kiến sẽ được đấu giá để phát triển khu đô thị thương mại dịch vụ hiện đại.
-
Công ty thép có cổ phiếu tăng trần 11 phiên: Kinh doanh thua lỗ, gặp khó với bài toán di dời nhà máy ra khỏi KCN lâu đời nhất Việt Nam
Tổng công ty Thép Việt Nam dự kiến đấu giá công khai 65% vốn sở hữu tại Thép Vicasa với giá thấp nhất 24.158 đồng/cổ phiếu.
-
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến tăng vốn đầu tư thêm 6.280 tỷ đồng
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau khi được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư thêm khoảng 6.280 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng khoảng 4.080 tỷ đồng....
-
Lộ diện hướng tuyến đường sắt 3,4 tỷ USD Thủ Thiêm – Long Thành
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành kết nối từ sân bay quy mô lớn nhất cả nước với trung tâm tài chính kinh tế TP.HCM được đề xuất triển khai với chiều dài gần 42km, tổng vốn đầu tư lên đến 3,4 tỷ USD....