07/01/2011 4:45 AM
Theo nhận định của hãng tin CNBC, kinh tế châu Âu còn nhiều ảm đạm, trong khi giá dầu có thể vượt lên 100 USD/thùng, vàng bạc đua nhau lên giá và nguy cơ lạm phát ngày càng trở nên rõ ràng hơn.


Khu vực châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong năm 2010, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC từng đưa ra nhận định, giá dầu từ 70 - 80 USD/thùng là hợp lý. Nhưng khi giá dầu thô quốc tế tăng qua những mốc này, OPEC lại tuyên bố, khoảng giá từ 80 - 90 USD mới là công bằng.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh tới “vùng nguy hiểm", đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt nhóm các nền kinh tế phát triển.

Phiên giao dịch hôm qua (6/1), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 trên sàn New York (Mỹ) trượt 1,92 USD/thùng (tương đương 2,2%) xuống 88,38 USD/thùng. Phạm vi dao động của giá dầu trong ngày là từ 87,85 - 90,71 USD/thùng.

Ba phiên liên tiếp gần đây, giá vàng thế giới đã giảm khá nhiều. Tính tới sáng nay, giá vàng vẫn đang trong xu thế đi xuống. Tuy nhiên, theo CNBC, cả vàng và bạc đều dự kiến tiếp tục leo thang trong nửa đầu năm 2011 khi các nền kinh tế phương Tây chưa hoàn toàn phục hồi, còn nhà đầu tư thì không ngừng tìm kiếm phương thức mới bảo toàn tài sản.

Trong đó, đà leo thang của bạc có xu hướng vượt trội hơn so với vàng. Đến nửa cuối 2011, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn sẽ khiến thị trường vàng tăng trưởng chững lại, trong khi giá bạc tiếp tục đi lên. nhờ nhu cầu dùng cho ngành công nghiệp gia tăng.

Vấn đề lạm phát sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2011. Không chỉ có Trung Quốc phải vật lộn với bài toán giá cả, nhiều quốc gia khác cũng méo mặt với tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt, từ thực phẩm cho tới quần áo. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Theo CNBC, năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở khoảng 8,5 - 9%.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2011. Sẽ có thêm quốc gia Eurozone phải tái cấu trúc nợ và nhận giúp đỡ từ bên ngoài. Đồng Euro vì thế sẽ suy yếu thêm so với USD. Trong cuộc khủng hoảng này, chỉ có Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tiếp tục đi lên với xuất khẩu ngày càng tăng mạnh.

Trong năm 2011, những quy định mới nâng cao tính an toàn sẽ kéo giới nhà băng vào một cuộc đua tăng vốn. Sẽ có không ít người thua cuộc. Ngoài ra, khủng hoảng nhà đất ở Mỹ vẫn còn dai dẳng và nhiều ngân hàng không thu hồi được nợ nần.

Tuy nhiên, theo CNBC, kinh tế thế giới năm 2011 cũng sẽ có nhiều thay đổi mang tính tích cực. Chẳng hạn như doanh số bán lẻ sẽ khá hơn, thậm chí có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể quyết định dừng QE2 vào tháng 6, trong khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh do kinh tế phục hồi trên khắp thế giới.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland