Nội dung được Tổng Bí thư Tô Lâm nói trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận liên quan quá trình triển khai đầu tư Dự án điện hạt nhân ở địa phương này, ngày 5/12.
Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, qua 5 năm thực hiện việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ước thực hiện hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra; kinh tế, xã hội của tỉnh duy trì ổn định, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9% thuộc top đầu cả nước.
GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 88,2 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước lên tỉnh có thu nhập trung bình...
Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân, nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, công nghệ hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.
Sau 8 năm tạm dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.
Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85.000 MW, cần có thêm khoảng 70.000 MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000 MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt 400.000 đến 500.000 MW.
Theo Tổng Bí thư, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Cùng đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Tổng Bí thư mong muốn người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để xây dựng dự án năng lượng này phục vụ sự phát triển cho cả nước. Chắc chắn người dân sẽ được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển. Đảng và Nhà nước đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân, đối tác tốt nhất và đào tạo nhân lực để vận hành an toàn, hiệu quả dự án năng lượng của quốc gia.
Trước đó, báo cáo của tỉnh Ninh Thuận cho biết năm 2009, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), địa phương đã khảo sát, đo đạc xác định tổng diện tích quy hoạch xây dựng hai nhà máy hơn 1.642ha.
Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án trên, làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.
Sau khi có chủ trương tái khởi động dự án, Ninh Thuận đề nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân làm cơ sở cho tỉnh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án; tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận khi dự án triển khai.
Đồng thời, tỉnh đề xuất tiếp tục được xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
-
Chính phủ trình Quốc hội xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Để đa dạng hóa nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
-
EVN muốn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn điện mới.
-
Tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định quan trọng về nguồn vật liệu trên địa bàn
Theo kết quả khoanh định vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu cát nhân tạo vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, tỉnh này có 39 khu vực có tiềm năng lớn về cát tuyển rửa, cát nghiền phục vụ sản xuất vật liệu cát nhân tạo với tổng tài nguyên ...
-
Ninh Thuận nói gì về việc triển khai dự án Khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực?
HĐND tỉnh Ninh Thuận vừa có Báo cáo số 65/BC-HĐND về kết quả tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026.