27/09/2020 10:35 AM
CafeLand - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động vì nhu cầu nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro giảm xuống, nhu cầu đầu tư tăng lên trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.

Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định trên trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 9. Ngoài ra, các doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu trước thời điểm nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09.

Trái phiếu tăng nhiệt

Theo thống kê của VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt 40.399 tỉ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước. Trong đó, 38.399 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và 2.000 tỉ đồng phát hành ra công chúng.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký phát hành trong tháng 8 tăng 68,1% so với tháng 7 lên mức 127.092 tỉ đồng, tỷ lệ phát hành thành công đạt mức 30,2%.

Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 250.129 tỉ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỉ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 8 là Công ty THHH Saigon Glory (5.000 tỉ đồng), Công ty CP Tập đoàn Sovico (5.000 tỉ đồng) và Công ty CP Tập đoàn Masan (4.085 tỉ đồng).

Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn

Có thể thấy trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Thời gian qua, bên cạnh vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản có xu hướng tăng quy mô phát hành trái phiếu, đồng thời đẩy lãi suất trái phiếu lên cao để thu hút thêm nguồn vốn tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng trong trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong 8 tháng vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu rất lớn, với hơn 80.000 tỉ đồng thành công, tương đương khoảng 30% tổng lượng phát hành.

Công ty chứng khoán SSI đánh giá, so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Sự tăng trưởng mạnh về mặt quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận đã khiến trái phiếu từ chỗ là kênh đầu tư dành riêng cho tổ chức đã dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân.

Rủi ro thường trực

Tuy nhiên, giới chuyên môn và các cơ quan quản lý đã nhiều lần cảnh báo mức tăng trưởng nóng về số lượng và giá trị trái phiếu phát hành tạo ra nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng thuộc Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng nhanh về quy mô, đến cuối tháng 7/2020 ở mức tương đương 11,2% GDP năm 2019.

So với một số nước trong khu vực, mặc dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức thấp, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này.

Quy mô phát hành trái phiếu tháng 8/2020 theo loại hình doanh nghiệp. Nguồn: HNX

“Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường”, ông Dương cho biết.

Về phía các nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có thể là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp an toàn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý nhà đầu tư cần có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Trong đó, nhà đầu tư cần phải có khả năng phân tích tín dụng, xem từng chỉ số, đòn bẩy tài chính, vòng quay của vốn, lợi nhuận… để thấy được doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ hay không. Nếu không có khả năng phân tích, nhà đầu tư cần dựa vào sự tư vấn của công ty tư vấn, công ty tài chính để biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.