Tất cả những bản quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội từ năm 2008 đến nay đều hướng tới cải thiện điều kiện sống của nhân dân như, tăng cường diện tích trường học, nhà trẻ, bệnh viện, quỹ đất cho giao thông… Tuy nhiên, trên thực tế diện tích đô thị được mở rộng, các công trình bất động sản thương mại mọc lên như nấm nhưng các công trình hạ tầng xã hội thì ngày càng bị thu hẹp.

Cao ốc mọc lên dày đặc trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.

Bất cứ ai đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào thời điểm này cũng rất ngại vì… tắc đường. Không tắc đường sao được khi mà đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TPHCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.

Bức xúc về hạ tầng giao thông dường như vẫn không thấm vào đâu so với căn bệnh trầm kha: Thiếu trường học tại các khu đô thị mới. Theo đó, gần 10 năm nay, Hà Nội có thêm hàng loạt các khu đô thị mới ở cả nội và ngoại thành với hàng trăm nghìn căn hộ. Tuy nhiên điều đáng nói là, chuyện các chủ đầu tư chỉ lo xây nhà bán mà “quên” xây trường học đã trở thành câu chuyện tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự…

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn TP có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này có rất nhiều dự án khu đô thị (KĐT) mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Có thể dẫn chứng như KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Còn lại 5 ô đất, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 2 lô đất cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình. Chính vì sự chậm trễ này mà đầu năm học 2018 - 2019, do học sinh quá đông từ KĐT này, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã phải cho học sinh học theo lịch học “lạ” luân phiên 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/tuần), học cả thứ Bảy...

Trước những khó khăn hạn chế này, Ban Văn hóa - Xã hội kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các KĐT mới, các khu di dân tái định cư nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp và ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Thậm chí ban này còn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo thu hồi các dự án xây dựng trường học trong các KĐT đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và bàn giao cho UBND quận, huyện để thực hiện các phương án xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS công lập…Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Ban Văn hóa- Xã hội có những kiến nghị “cứng rắn” như vậy thế nhưng thực trạng thiếu trường thừa cao ốc vẫn tồn tại.

Để giải bài toán thừa nhà cao tầng thiếu hạ tầng xã hội nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng quan trọng là chính quyền TP cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án. Cần những biện pháp đủ mạnh hơn là sự hô hào, kêu gọi suông. Chẳng hạn với “căn bệnh” chậm xây trường học cần phải dùng công cụ tài chính để ứng xử. Chẳng hạn, nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án của mình thì phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành.

Những năm qua, Hà Nội luôn lên tiếng về tình trạng thiếu quỹ đất xây dựng trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông; nhưng điều đang khiến người ta phải suy ngẫm đó là việc TP luôn có đất cho các dự án cao ốc, chung cư thương mại… Lác đác một vài nhà máy, xí nghiệp được dời đi… thì ngay lập tức thay vào đó là nhà cao tầng, văn phòng hỗn hợp cho thuê… Nhồi nhét cao ốc mà “quên” hạ tầng xã hội đi kèm, đó quả là điều đáng lo ngại.

Lục Bình (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.