Tình trạng doanh nghiệp đổ dồn vay USD trong những tháng đầu năm khiến cho có cơ sở để lo ngại cuối năm có khả năng xảy ra mất cân bằng cung cầu ngoại tệ.
NHNN yêu cầu kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ở mức hợp lý

Nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối vẫn đang dồi dào, khiến cho tỷ giá USD/VND mua vào bán ra trong ngân hàng xuống dưới 19.000 đồng cho mỗi USD; giá mua vào còn 18.950 đồng/USD thấp hơn 30 đồng so với mức mua vào của ngân hàng Nhà nước.

Doanh nghiệp vay 8,33 tỉ USD

Trong các báo cáo của mình, ngân hàng Nhà nước cho biết các công ty xuất khẩu vẫn tiếp tục bán một lượng ngoại tệ tương đối lớn cho ngân hàng, tính thanh khoản ngoại tệ vẫn ở mức cao. Lãi suất VND giao dịch qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tuần trước rớt còn 6,52%, giảm gần 0,5% so với mấy tuần trước đó.

Lãi suất cho vay bằng VND ngoài thị trường dân cư đã xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Các ngân hàng ra giá ưu đãi cho vay doanh nghiệp 12 – 14%/năm nhằm tăng tốc cho vay ra nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, đồng USD vẫn là lựa chọn của đa số doanh nghiệp khi vay vốn ở ngân hàng, nguyên nhân do lãi suất vay ngoại tệ rẻ gần một nửa so với vay VND.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, do tính chất biến động của tỷ giá hối đoái và để hạn chế rủi ro, phần lớn các khoản cho vay bằng ngoại tệ là kỳ ngắn hạn (từ một năm đổ lại). Còn ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết, các khoản vay bằng ngoại tệ này, kỳ hạn thông thường từ 6 – 9 tháng, sẽ đổ dồn đáo hạn mạnh từ tháng 9 – 10 năm nay. Ông Phạm Hồng Hải, giám đốc kinh doanh thị trường vốn và ngoại hối của ngân hàng HSBC Việt Nam, dự báo thời điểm cuối năm sẽ có căng thẳng USD trên thị trường, do các doanh nghiệp cần mua USD để trả nợ và theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao để nhập hàng vào những tháng cuối năm.

Số liệu của cục Thống kê TP.HCM: trên địa bàn năm tháng đầu năm, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 158,4 ngàn tỉ, chiếm 27,7% tổng dư nợ tín dụng, tăng 41,5% so cùng kỳ. Con số dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ này, quy đổi sang USD với tỷ giá 18.950 đồng/USD, thì các ngân hàng ở TP.HCM đã cho vay khoảng 8,337 tỉ USD. Trong khi đó, nhập khẩu cùng kỳ của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng ở mức 6,9 tỉ USD.

Tháng 9 – 10 năm ngoái, các doanh nghiệp TP.HCM đã cần hơn 3 tỉ USD để nhập hàng. Giả định năm nay các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng nhập hàng với con số này, cộng với số nợ 8,33 tỉ USD lần lượt đáo hạn, sẽ tạo cầu ngoại tệ lớn. Tất nhiên, trong các đối tượng vay có những doanh nghiệp xuất khẩu đã có sẵn lượng USD thu về để trả lại, hoặc doanh nghiệp tái tục khoản vay mới... Nhưng tốc độ tăng tín dụng bằng ngoại tệ đột biến gấp mười lần mức tăng bằng VND trong năm tháng đầu năm toàn hệ thống ngân hàng, chưa tính tới con số phải bù vào do nhập siêu (nếu có), cho thấy khả năng mất cân đối giữa cung và cầu ngoại tệ vào cuối năm là không nhỏ.

Kiểm soát thanh khoản ngoại tệ

Tình hình thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng, theo thông tin ngày 17.6 của HSBC, chủ yếu đến từ các nguồn hỗ trợ của ngân hàng Nhà nước qua kênh nghiệp vụ thị trường mở, hoán đổi ngoại hối, và các khoản vay tái cấp vốn với các ngân hàng thương mại quy mô lớn. Mặc dù lãi suất đã xuống, tín dụng tiền đồng vẫn chưa chảy dễ dàng. Do các ngân hàng không thể tăng mạnh dư nợ, nên họ giải ngân mạnh vào tín phiếu, trái phiếu chính phủ. Động thái này có thể làm lãi suất trái phiếu giảm tại các phiên đấu thầu, và tăng khả năng giảm lãi suất ngoài thị trường dân cư, thu hút doanh nghiệp vay tiền đồng trở lại.

Ngoài ra, ngân hàng có thể sẽ khắt khe với các khoản vay ngoại tệ sắp tới, do ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát quy mô và tốc độ tăng dư nợ cho vay ngoại tệ ở mức hợp lý, đảm bảo khả năng thu hồi nợ bằng ngoại tệ và khả năng an toàn thanh toán. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hạn mức tín dụng, thời hạn cho vay tương ứng với thời hạn huy động vốn bằng ngoại tệ, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản. Các ngân hàng cũng được yêu cầu báo cáo tình hình bán và cho vay thanh toán hàng nhập khẩu.

Cafealnd.vn

theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland