22/09/2014 9:17 AM
Theo phản ánh của một số lãnh đạo NHTM, sau một thời gian nới cho vay tiêu dùng, giờ đây các ngân hàng (NH) chuẩn bị “chuyển giao công nghệ” nếu…

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo Thông tư Quy định rõ nếu ngân hàng thương mại nếu thực hiện cho vay tiêu dùng (cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng) phải thành lập công ty tài chính.

Mục tiêu, định hướng xây dựng Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm tách biệt và hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại TP.HCM, xu hướng chuyển đổi này về lý thuyết sẽ không làm méo mó thị trường tài chính. Vì thực tế thời gian qua hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính hiện nay đan xen lẫn nhau. Hai tổ chức này đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng.

Nhưng trên thực tế, hoạt động của hai loại hình có phần khác nhau. Do đó, việc kết hợp hai mô hình có phần khập khiễng.

Đơn giản, công ty tài chính trước nay đều tập trung cho vay những khoản vay trung và dài hạn, dự án lớn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cho vay tiêu dùng lựa chọn phân khúc nhỏ, hẹp. Những khoản vay tiêu dùng cũng đều là những khoản vay nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, thời gian cho vay ngắn…

Đành rằng ngân hàng thương mại có thể mua lại công ty tài chính để chuyển đổi mô hình hoạt động. Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng đã “nhanh chân” trong việc mua lại các công ty tài chính như HDBank đã mua lại Công ty tài chính Việt –Sài Gòn hay như VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản… và chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Nhưng đến nay, việc chuyển đổi cũng rất phức tạp. Đó là chưa kể những khoản nợ xấu mà các công ty tài chính có rất nhiều, thậm chí là rất lớn.

Tương tự, một lãnh đạo ngân hàng thương mại khác (giấu tên) nhận định, có thể việc kết hợp hai loại hình này là một biện pháp “kỹ thuật”, Ngân hàng Nhà nước muốn sử dụng để tái cơ cấu công ty tài chính vốn “vất vưởng” từ lâu.

Vì thực tế, xét ở mọi góc cạnh, các công ty tài chính muốn hoạt động đều phải dựa vào hệ thống mạng lưới của ngân hàng thương mại. Nay, sự kết hợp chẳng khác nào ngân hàng thương mại phải “cứu” các công ty tài chính chứ không phải kết hợp đôi bên cùng có lợi.

Không chỉ vậy, vị lãnh đạo trên còn chia sẻ nếu dự thảo này được áp dụng thì các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ sẽ rất vất vả trong khi những ông lớn như Vietcombank, BIDV, Viettinbank… được mùa.

Nói như vậy vì thời gian qua, các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ yếu thế trong việc cho vay khách hàng lớn, nên tập trung phát triển mạng lưới, công nghệ, đầu tư theo định hướng ngân hàng bán lẻ. Do vậy, các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ rất mạnh trong việc cho vay tiêu dùng.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lớn đầu tư dàn trải, hình thành công ty tài chính cho vay Tổng công ty, Tập đoàn và suốt thời gian qua các công ty tài chính của những NH này phát triển èo uột. Nay, dự thảo quy định mới được áp dụng thì họ như “hổ thêm cánh”.

Rõ ràng, dù rằng việc mua lại công ty tài chính không khó nhưng nhiều người lo ngại nếu không có biện pháp quản lý chặt sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn: công ty tài chính cho vay không hiệu quả, nợ xấu tăng, ngân hàng thương mại lại phải gánh chịu…

Khả Nhi (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.