Nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay tiền đồng đối với lĩnh vực sản xuất từ mức phổ biến 18- 22%/năm xuống còn 17- 19%/năm. Nhưng mặt bằng lãi suất này chưa bền vững. Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào mất khả năng thanh khoản.

Đây là thông điệp được Ngân hàng Nhà nước phát đi sau cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng thương mại lớn ngày 4-10, tại Hà Nội nhằm đánh giá lại tình hình thị trường tiền tệ thời gian qua.


Cũng theo NHNN, mặt bằng lãi suất tuy đã giảm, nhưng chưa bền vững, vì nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng có nhiều khả năng tăng trong tháng 10 do nhiều khoản tái cấp vốn đến ngày đáo hạn. Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục có những phiên bơm tiền ròng trên thị trường mở thời gian tới nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.


Thông cáo báo chí phát đi ngày 5-10 của NHNN khẳng định: “NHNN sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của thị trường, chủ động phát hiện các tổ chức tín dụng có biểu hiện hay nguy cơ mất khả năng thanh khoản để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào mất khả năng thanh khoản”.


NHNN cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài; từng bước chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.


Với thị trường vàng, NHNN cam kết sẽ kịp thời có giải pháp đủ hiệu lực và khả năng cần thiết làm giảm đến mức tối đa chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế, chống đầu cơ vàng và tác động ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.


Trong tháng 9, các công ty vàng bạc trong nước đã bán ra hơn 20 tấn vàng và NHNN đang xem xét việc tăng hạn ngạch nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là một yếu tố tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá trên thị trường ngoại hối.

Theo Hồng Phúc (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.