Thời gian qua, thị trường bất động sản Lâm Đồng đạt được những kết quả tích cực, giao dịch bất động sản phục hồi, nhất là trong giai đoạn từ năm 2021 đến đầu năm 2022. Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, thị trường trường bất động sản trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Ngày 8/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt được những kết quả tích cực, giao dịch bất động sản phục hồi, nhất là trong giai đoạn từ năm 2021 đến đầu năm 2022.

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2015 - 2023, có 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: Dự án khu dân cư Tân Hà; dự án khu dân cư phường 8, thành phố Đà Lạt; dự án khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp Sun Garden Đà Lạt; dự án khu dân cư nông thôn mới thành phố xanh;

Dự án khu dân cư đồi Thanh Danh; khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim; dự án khu dân cư phía Đông thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà; dự án khu dân cư Bi Doúp, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 61.038 lô đất nền giao dịch; năm 2023 có 18.797 giao dịch bất động sản thông qua công chứng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cấp mới 2.023 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Trong đó, có 1.675 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ đăng ký 37.068 tỷ đồng; 204 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại; 144 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động.

Báo cáo ghi nhận, thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt được những kết quả tích cực, giao dịch bất động sản phục hồi, nhất là trong giai đoạn từ năm 2021 đến đầu năm 2022.

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2015-2021, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 03 dự án, cung cấp 318 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị.

Trong giai đoạn từ 2022-2025, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng thêm 01 dự án nhà ở xã hội cho công nhân và 03 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng số 1.236 căn hộ.

Bên cạnh đó, địa phương đang tập trung dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội.

Đến nay, đã bố trí 14 vị trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Đà Lạt tại 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích 18,39 ha. Đồng thời, triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt 70% chỉ tiêu được giao trong giai đoạn 2021-2025.

Lâm Đồng cần đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử, hiện nay, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm; thiếu nhà ở vừa ''túi tiền'', đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân thu nhập thấp tại đô thị.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở thương mại phải dừng, giãn tiến độ; số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.

Việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về hình thức. Hiện chủ yếu là kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, chưa có dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước; chưa đa dạng về loại hình (chủ yếu là căn hộ chung cư); chưa đa dạng về đối tượng thụ hưởng.

Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn hạn chế, quy mô nhỏ, nằm rải rác không tập trung, hệ số sử dụng đất không cao, chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì thế, rất khó thu hút đầu tư, chậm triển khai xây dựng.

Báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đơn cử, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan về quản lý thị trường bất động sản; hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan về phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định.

Đồng thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao/thuê đất thực hiện dự án. Qua đó sớm hoàn thành các dự án bất động sản, tạo nguồn cung cho thị trường.

Song song với đó, cần thực hiện tốt công tác công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư.

Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo gì?

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo triển khai nội dung kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu nghiên cứu những nội dung tồn tại, hạn chế, kiến nghị đề xuất của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã nêu ra tại báo cáo nêu trên để chủ động triển khai giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, lĩnh vực quản lý.

Đồng thời yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại địa phương; đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, thân thiện cho các nhà đầu tư và người dân; công khai hoá các quy trình thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của tổ chức và công dân;…

Sở Xây dựng được giao tổng hợp, báo cáo quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2011-2020 theo các Quyết định của UBND tỉnh. Qua đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2030,…

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.