08/12/2015 9:24 PM
Địa bàn dự kiến hình thành đặc khu kinh tế ở TPHCM nằm ở hướng Nam gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh được cho là phù hợp với chiến lược phát triển hướng ra biển. Cũng có ý kiến khác cho rằng không cần thiết hình thành đặc khu kinh tế vì sự phát triển và sức đột phá của khu Nam tự nó sẽ tìm được hướng đi.

Theo đề án, ở khu Nam TPHCM tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm đến 90,13% diện tích đất tự nhiên, thích hợp để phát triển công nghiệp và đô thị mà không bị áp lực về giải tỏa đền bù. Ảnh Thành Hoa

Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM vừa hoàn thành đề cương chi tiết thành lập đặc khu kinh tế của TPHCM và đã trình lên lãnh đạo UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

Tại sao hướng Nam

Đặc khu kinh tế của TPHCM trải rộng trên địa bàn bốn quận huyện gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh với tổng diện tích gần 890 ki-lô-mét vuông với tổng dân số 685.270 người.

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhấn mạnh hiện vẫn còn nhiều quan điểm về sự cần thiết hình thành đặc khu kinh tế trên địa bàn TPHCM. Phổ biến nhất là bốn luồng quan điểm: 1. Cần thiết hình thành đặc khu kinh tế với địa bàn xác định như trên; 2. Đặc khu kinh tế nên được xem xét trên quy mô toàn thành phố; 3. Không cần thiết hình thành đặc khu kinh tế vì sự phát triển và sức đột phá của khu Nam tự nó sẽ tìm được hướng đi; 4. Hình thành đặc khu kinh tế nhưng ban đầu nên ở một phạm vi hẹp hơn.

“Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản thành phố cần một sự đột phá thực chất về cơ chế và thành lập đặc khu kinh tế có thể là công cụ phù hợp để đáp ứng yêu cầu này. Quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh là địa bàn phù hợp nhất với chiến lược phát triển hướng ra biển, có nhiều tiềm năng và nguồn lực cho phát triển”, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố khẳng định và lý giải thêm: trong định hướng không gian đô thị của thành phố theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 thì một trong hai hướng phát triển chính là hướng Nam ra biển.

Phân tích mặt thuận lợi để TPHCM hình thành đặc khu kinh tế trên địa bàn các quận huyện phía Nam, Viện cho rằng đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển hướng ra biển, hình thành cửa ngõ quốc tế và đầu mối kết nối của TPHCM. Theo đó, hiện thành phố đang thực hiện nạo vét luồng Soài Rạp đón tàu tải trọng lớn 50.000 tấn ra vào cảng, phát triển cảng Hiệp Phước và khu đô thị cảng Hiệp Phước, di dời hệ thống cảng trong nội thành ra tập trung hết khu vực phía Nam này.

Các dự án phát triển giao thông mang tính liên vùng đang được triển khai để kết nối giao thông từ vùng ĐBSCL qua khu vực này để sang các tỉnh miền Đông Nam Bộ như đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành (đường vành đai 3), trong tương lai sẽ phát triển đường vành đai 4, cùng song hành đường sắt quốc tế kết nối khu vực đô thị cảng Hiệp Phước với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ĐBSCL.

Nhìn vào mức sống của người dân trên địa bàn dự kiến hình thành đặc khu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo tính theo ngưỡng dưới 16 triệu đồng/người/năm ở ba huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ lần lượt là 2,28%, 3,49%, 27,21%, cao hơn mức trung bình của thành phố 1,45% (số liệu tính đến ngày 31-12-2014). Chưa kể quỹ đất tự nhiên ở các khu vực này chưa được sử dụng hiệu quả, hợp lý. Ở ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè quỹ đất sử dụng phần lớn cho sản xuất nông nghiệp, với tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm đến 90,13% diện tích đất tự nhiên. Riêng ở quận 7, diện tích đất ở khu đô thị Nam Sài Gòn rộng hơn 2.900 héc ta nhưng đến nay chỉ mới đầu tư được vài trăm héc ta, còn lại là đất nông nghiệp, đất hoang hóa nơi những nhóm dân cư nhỏ lẻ sinh sống…

Với quỹ đất trong địa bàn đặc khu kinh tế còn, không nhiều áp lực di dời, giải tỏa, có nhiều cơ hội để chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang những khu đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Việc hình thành và phát triển đặc khu kinh tế tại bốn quận huyện nói trên sẽ giúp tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quỹ đất được sử dụng có mục đích rõ ràng, quy hoạch hiệu quả, cơ sở vật chất (kênh rạch, thủy lợi…) được đầu tư đúng mức sẽ góp phần cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và các di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia, cấp thành phố như căn cứ Rừng Sác, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ).

Vẫn nhiều thách thức

Dù nêu ra khá nhiều thuận lợi, nhưng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng chỉ ra các rủi ro, khó khăn và thách thức có thể gặp phải trong quá trình xây dựng đặc khu kinh tế ở TPHCM.

Trước tiên, đây là địa bàn trũng, thấp nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Vùng đất Hiệp Phước - Nhà Bè thấp, cao độ trung bình từ 0,4-1 mét với mương rạch chằng chịt sẽ là một thách thức lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, khó tìm được nhà đầu tư chiến lược. Chưa kể hiện có rất nhiều quy hoạch chung, quy hoạch ngành đã và đang được xây dựng trên địa bàn hình thành đặc khu kinh tế thành phố, sự bất cập, chồng lấn của các quy hoạch sẽ gây khó khăn cho xây dựng và hoạt động của đặc khu kinh tế.

“Mô hình đặc khu kinh tế sẽ mất thời gian rất lâu (ít nhất 10 năm) để phát huy tác dụng. Do đó sẽ rất bất lợi nếu gặp giai đoạn suy thoái, khủng hoảng. Thời gian lâu cũng dẫn đến áp lực dư luận đòi hỏi chứng minh thành công của đặc khu kinh tế”, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố nêu.

Để có các chính sách lớn, đặc biệt dành riêng cho đặc khu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM trong đề cương thành lập đặc khu kinh tế của thành phố đã kiến nghị: tăng hạn mức, thời gian và mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (hàng hóa tạo tài sản cố định), cho vay các dự án đầu tư (đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng) trong đặc khu kinh tế; đề nghị thời gian hoạt động của dự án đầu tư trong đặc khu kinh tế cùng với thời hạn thuế đất là 99 năm; bên cạnh đó cần tổ chức một cơ chế hành chính và nhân sự tại đặc khu kinh tế theo hướng tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, bộ máy quản lý minh bạch, gọn nhẹ, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động di chuyển, đầu tư, kinh doanh để tăng sức cạnh tranh của đặc khu kinh tế.

Lộ trình cho đề án thành lập đặc khu kinh tế của TPHCM được Viện Nghiên cứu phát triển đề xuất như sau: Giai đoạn đầu (2014-2015): xây dựng đề cương, phê duyệt đề cương với sự chấp thuận của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, xin chủ trương của Chính phủ; Giai đoạn 1 (2016-2018): xây dựng đề án, khảo sát quy mô lớn và toàn diện các yếu tố định hình đặc khu kinh tế, khảo sát và tiếp xúc các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hình thành khung thể chế, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; Giai đoạn 2 (2018-2025): hoàn thiện khu thể chế, định hình bộ máy quản lý, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; Giai đoạn 3 (2025-2035): đầu tư theo chiều sâu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khẳng định vị thế của đặc khu kinh tế.

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.