Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của 20 tổng công ty nhà nước thuộc diện kiểm toán bình quân là 1,8 lần nhưng tại một số doanh nghiệp xây dựng lên tới hơn 10 lần, thậm chí 30 lần.
Theo số liệu kiểm toán nhà nước tại thời điểm cuối
2008, tổng nguồn vốn của 20 tổng công ty này là gần 137.500 tỷ đồng.
Trong đó nợ phải trả hơn 86.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 48.000 tỷ
đồng. Tính bình quân, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tổng
công ty phải kiểm toán là 1,8 lần.
Nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, hệ số nợ tại Tổng công
ty Xây dựng Công trình giao thông 6 là 30,53 lần; Tổng công ty Xây dựng
Công nghiệp Việt Nam 16,47 lần; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 14 lần;
Tổng công ty Cơ khí xây dựng 7,06 lần...
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là chỉ số phản ánh quy mô
tài chính của công ty, nếu lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đi vay mượn
nhiều hơn số vốn hiện có. Trên lý thuyết, hệ số nợ càng cao, doanh
nghiệp càng đối mặt với rủi ro trong việc trả nợ, và sẽ khó khăn nhiều
hơn nếu lãi suất ngân hàng biến động.
Trong khi phải đi vay để sản xuất kinh doanh với tỷ lệ
lớn, các đơn vị này lại đối mặt với nhiều khoản thu khó đòi, tạm ứng
không được quyết toán. Chẳng hạn tổng nợ khó đòi của Tổng công ty Công
trình Cơ khí xây dựng là 118,6 tỷ đồng, chưa kể tới nhiều khoản tạm ứng
vượt tỷ lệ khoán nội bộ và tạm ứng cho một số cán bộ đã chuyển công tác,
bỏ việc nên không có khả năng thu hồi.
Với Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6, số
nợ khó đòi lên tới 46,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng công ty còn nhiều khoản
phải thu nội bộ, phải thu khác có số dư lớn nhưng không được đối chiếu,
không đầy đủ hồ sơ dẫn đến chênh lệch giữa phải thu và phải trả nội bộ
lên tới 412,7 tỷ đồng...
Để xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài, theo Kiểm toán
Nhà nước, chủ yếu là do các doanh nghiệp xây dựng thực hiện cơ chế khoán
nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Đây thực chất là những khoản lỗ
tiềm ẩn trong tương lai. Tính chung cả 20 tổng công ty thuộc diện kiểm
toán, số nợ phải thu tính đến 31/12/2008 là 26.586 tỷ đồng, tỷ lệ nợ
phải thu trên tổng tài sản là 19,34%, trên vốn chủ sở hữu là 55,48%.
Cũng theo số liệu của kiểm toán, nhiều tổng công ty
xây dựng hoạt động chưa hiệu quả và không bảo toàn được vốn. Trong đó
Tổng công ty Cơ khí Xây dựng lỗ năm 2008 là 1,8 tỷ đồng, lũy kế 39 tỷ
đồng; Tổng công ty Công trình Giao thông 6 lỗ 67,9 tỷ đồng, lũy kế 149
tỷ đồng...
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán báo
cáo tài chính 2008 của 183 trong tổng số 242 doanh nghiệp hạch toán độc
lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước. Phần lớn các đơn vị vẫn có lãi, tổng
lợi nhuận trước thuế của 20 tổng công ty đạt 16.626 tỷ đồng, tỷ suất
lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập thuần bình quân đạt
11,14%, trên vốn chủ sở hữu 32,14%. 12 trong số 20 tổng công ty có kết
quả kinh doanh cao hơn năm 2007. Bên cạnh đó vẫn có một số công ty chưa phát huy tốt
vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và
đầu tư của Nhà nước, hoạt động chưa hiệu quả và không bảo toàn được vốn.
Còn tồn tại tình trạng nợ đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Hầu hết doanh nghiệp chưa phản ánh đúng doanh thu,
chi phí. Chẳng hạn Tổng công ty Viễn thông Quân đội, sau kiểm toán tổng
doanh thu, thu nhập giảm 5.559 tỷ đồng, tổng chi phí giảm 5.937 tỷ đồng;
Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng doanh thu thu nhập tăng 328 tỷ
đồng, tổng chi phí giảm 28,8 tỷ đồng. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam
tổng doanh thu thu nhập giảm 803,9 tỷ đồng, tổng chi phí giảm 905,6 tỷ
đồng.... |
Cafeland.vn - Theo Song Linh (Vnexpress)